Thị trường hàng hóa
Sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng lớn nên được nhiều nước quan tâm đầu tư. Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một nước nông nghiệp nên có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn sinh khối từ ngành trồng trọt, trong đó có hơn 40 triệu tấn rơm ra, hơn 10 triệu tấn bã mía, gần 20 triệu tấn trấu…
Ngành chăn nuôi mỗi năm cũng sản sinh ra khoảng 80 triệu tấn phân gia súc gia cầm. Đây là những nguồn tài nguyên có thể sử dụng để sản xuất năng lượng.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học, các cơ chế khuyến khích đã được Chính phủ đưa ra, thể hiện trong nhiều văn bản, như tại Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, ban hành ngày 24/3/2014, Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg (ban hành ngày 5/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh) và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất điện sinh khối trong tổng sản lượng điện từ 1% năm 2020 lên 2,1% năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.
Những năm qua, với những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói chung, phát triển điện sinh khối nói riêng, nhiều nhà máy điện sinh học đã được đầu tư xây dựng tại nước ta. Có thể điểm qua một số dự án lớn, như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40 MW, sản lượng điện 331,5 triệu kWh/năm.
Một số nhà đầu tư đang triển khai dự án điện sinh khối tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Nhà máy điện sinh khối An Khê có công suất 95 MW đã được xây dựng tại tỉnh Gia Lai; Nhà máy điện sinh khối KCP – Phú Yên đạt công suất 30 MW…
Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng công suất điện sinh khối toàn quốc tính đến năm 2020 là 325 MW, mới chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% trong tổng công suất điện trên toàn quốc. Trong đó: miền Bắc 25 MW, miền Nam 62 MW, miền Trung có 238 MW điện sinh khối.
Theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam đến hết năm 2022 mới đạt khoảng 350MW, chiếm 0,42% tổng công suất lắp đặt của toàn ngành điện, và mới đạt 50% mục tiêu điện sinh khối theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà máy điện năng lượng sinh học sẽ không thể cạnh tranh với các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời) có chi phí thấp hơn trong thị trường điện hiện tại (thị trường điện bán buôn), thị trường điện tương lai (thị trường điện bán lẻ). Trở ngại lớn nhất đối với điện sinh khối là chi phí vốn đầu tư cao, trong khi chính sách khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn đối với điện sinh khối, chưa có cơ chế mua bán chứng chỉ giảm phát thải CO2, khí nhà kính.
Nguyên nhân còn do nguyên liệu sản xuất điện sinh khối phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, là những phụ phẩm của nông nghiệp, trong khi năng lượng gió, mặt trời là nguyên liệu từ thiên nhiên, không phải mua. Vấn đề quan trọng là làm sao dự báo được giá mua nguyên liệu của điện sinh khối. Đây vẫn đang là bài toán khó đối với các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, hiện tại các nhà máy điện sinh khối được áp dụng một trong hai cơ chế giá bán điện như sau: (i) giá FiT đồng phát nhiệt – điện: 7,03 UScents/kWh; (ii) giá FiT điện sinh khối: 8,47 UScents/kWh. Nhà máy điện sinh khối dùng nguyên liệu bã mía được xem là nhà máy điện đồng phát nên mặc định được áp dụng giá FiT theo công nghệ đồng phát. Tuy nhiên, biểu giá điện hỗ trợ (FiT) do Chính phủ ban hành tính đến nay vẫn chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến việc chưa có nhiều nhà máy điện sinh khối được phát triển và xây dựng như các loại năng lượng tái tạo khác.
Số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia...
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung thu hút đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của nhà đầu tư tư nhân trong điện sinh khối. Có thể xem xét "thưởng thêm" cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại một số quốc gia trên thế giới, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ) cho biết, hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT (một giá) với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia... Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên, chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển, do vậy cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp...
Để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối, bên cạnh việc hỗ trợ về giá, cũng cần có cơ chế thông thoáng, gỡ “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư; cần có chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi có cơ chế hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm