Thị trường hàng hóa
Tại thị trường Việt Nam, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang từng bước triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt sau cú huých đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc CĐS với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Quy mô thị trường TTDL Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2025
Ngày 6/3, hội nghị “Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2023: Tăng tốc cho hành trình số” đã được Viettel IDC phối hợp tổ chức cùng gần 30 đối tác công nghệ như Chunghwa Telecom, Cisco, Dell, AWS, Asus, Radware, Vertiv, Eaton, Qisda....
Theo đại diện Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT), phát triển hạ tầng số với trọng tâm là phát triển hạ tầng truyền thông băng rộng, phát triển các nền tảng, hạ tầng đám mây đã được chính phủ đặt ra trong nhiều chương trình, đề án chiến lược, điển hình như Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn 2021-2030. Một trong những đột phá chiến lược đã được đặt ra về hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ hiện đại, với trọng tâm phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, kết nối đồng bộ, thống nhất của tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Viettel IDC, chia sẻ tại Hội nghị cho biết về mặt quy mô, trên thế giới đã có trên 8.100 TTDL, trong đó Mỹ đang dẫn đầu với trên 30% TTDL nằm ở Mỹ. Trong bức tranh thị trường TTDL toàn cầu này, Việt Nam mới chỉ có khoảng 20 - 30 TTDL, chiếm chưa được 1% số lượng TTDL toàn cầu. Điều đó cho thấy thị trường TTDL Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển.
Việt Nam được đánh giá là một trong 100 thị trường mới nổi trên thị trường TTDL và điện toán đám mây (ĐTĐM) với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Dự báo đến 2025, quy mô thị trường TTDL Việt Nam sẽ lên đến 1 tỷ USD từ mức hơn 400 triệu USD hiện nay, tạo dư địa tăng trưởng rất lớn cho các DN.
Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐTĐM và TTDL, cho biết thời gian qua, thị trường TTDL Việt Nam đã có sự phát triển sôi động, các nhóm nhà đầu tư tài chính, các đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản, Thái Lan hay Hong Kong và Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường TTDL Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng trong năm 2023 sẽ có nhiều công bố đầu tư hơn nữa vào thị trường TTDL Việt Nam”.
Áp lực xây dựng TTDL xanh và phát triển bền vững
Trong bài trình bày minh họa cho khối lượng lớn dữ liệu đã và đang, sẽ được tạo ra trên thế giới, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết, “Nếu 1 phút tạo ra hàng terabyte dữ liệu như vậy, thì một ngày với 1440 phút và 1 năm có hơn nửa triệu phút, sẽ tạo ra hàng tỷ tỷ terabyte (TB) dữ liệu, một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này tạo ra "áp lực nguyên tử" lên hạ tầng, trong đó có hạ tầng lưu trữ, hạ tầng kết nối”.
Hiện nay, theo thống kê, các TTDL trên thế giới đang tiêu tốn khoảng 2 - 3% tổng năng lượng toàn cầu và phát thải đến 5% lượng khí thải nhà kính. Với khối lượng dữ liệu ngày càng lớn trên toàn cầu và hầu như tất cả các dịch vụ số mà mọi người đang trải nghiệm đều được lưu trữ, được xử lý ở trong TTDL, mức độ phát triển TTDL sẽ càng ngày càng lớn. Điều này đặt ra bài toán cấp thiết phải xây dựng, phát triển TTDL một cách bền vững, xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế lượng phát thải khí nhà kính theo đúng những mục tiêu của cả thế giới cũng như cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Làm thế nào giảm mức độ tiêu thụ điện năng càng nhiều càng tốt, điều đó nói dễ hơn làm, vì các thiết bị điện tử trong TTDL lúc nào cũng cần đến điện để hoạt động”, TS. Jung-Kuei Chen, Phó Chủ tịch, Viện Thí nghiệm Viễn thông Chunghwa Telecom, nói.
Để giải quyết phần nào gánh nặng về năng lượng cho các TTDL, một ý kiến được TS. Jung-Kuei Chen đưa ra là sử dụng các nguồn "điện xanh" như điện gió, điện mặt trời hoặc các năng lượng tái tạo khác cho các TTDL.
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Arizton, thị trường TTDL xanh của Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,82% trong giai đoạn 2022-2028. Các công ty siêu quy mô như Facebook (Meta), Google, AWS, Microsoft và các công ty cho thuê máy chủ như Equinix, Digital Realty, Compass Datacenters và DataBank đang nỗ lực để các TTDL của họ trở nên bền vững.
Ưu điểm của TTDL xanh là giảm yêu cầu về không gian, giảm lượng khí thải carbon, giảm chi phí vận hành dài hạn và giảm lượng nước sử dụng và khí phát thải. Vì thế, các công ty đang hợp tác với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các khoản đầu tư cũng được thực hiện vào công nghệ để theo dõi lượng khí thải carbon, nâng cao hiệu quả và cải thiện việc sử dụng nước của các TTDL./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm