Thị trường hàng hóa
Hội thảo “CĐS trong DN nhà nước: Cơ hội và thách thức” do Báo Điện tử VOV tổ chức sáng 26/7/2023 tại Hà Nội nhằm mục tiêu nhìn lại công việc CĐS thời gian qua, chỉ ra những thách thức trong tương lai, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của CĐS trong sự phát triển của DN nhà nước nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) khẳng định, CĐS mang lại những giá trị lớn cho DN. Trong đó, các DN công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các DN này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, có 92% DN đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng CĐS trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% DN kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ CĐS như: giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)...
Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuyên nhận định: “Hiện nay, việc CĐS vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư CĐS lớn. Bên cạnh đó, các DN cũng đã có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo; hay thậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động", thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình CĐS rõ ràng… Đây là những yếu tố đang cản trở quá trình CĐS trong các DN”.
Nhìn toàn cảnh về những thách thức trong bức tranh CĐS hiện tại trong các DN nhà nước (có vốn nhà nước), ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (Hội Truyền thông số Việt Nam - VDCA) cho biết, để CĐS, các DN cần chuyển đổi cách thức tổ chức, cách nghĩ, cách làm, cách hành động, cách vận hành; cách đo lường hiệu quả công việc; chuyển đổi lợi thế cạnh tranh và bản chất của hoạt động kinh doanh.
Qua cách tiếp cận như trên, Viện trưởng Lê Nguyễn Trường Giang nêu rõ những “cái khó” mà các DN nhà nước đang gặp trong tiến trình CĐS.
Trước hết, các DN nhà nước (có vốn nhà nước) cần có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ, đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, vì không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay.
“CĐS đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các DN nhà nước. Thay vì tạo ra một tác động tổng thể, CĐS trong các DN nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nêu rõ.
Đáng chú ý, theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, tiến trình CĐS cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành…
Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc CĐS không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện DN sang bản chất kinh doanh mới - trở thành một DN số.
Theo đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang khẳng định, không có mô hình hay phương thức CĐS cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi DN, tổ chức. Nói cách khác, các DN, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình CĐS để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm