Thị trường hàng hóa
Trung Quốc, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, là cơ sở sản xuất quan trọng của gã khổng lồ công nghệ Apple. Do căng thẳng nhiều lĩnh vực kéo dài giữa Mỹ và Trung, Apple bắt đầu tìm kiếm một vùng đất mới để đa dạng hóa khâu sản xuất của mình. Kể từ đó, Ấn Độ đã trở thành mục tiêu sản xuất hàng đầu của Apple ở châu Á ngoài Trung Quốc.
Mới tháng trước, Tech Wire Asia đưa tin rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang cân nhắc việc sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ. Giám đốc Điều hành Tim Cook khẳng định về việc quốc gia Nam Á là thị trường quan trọng cho sự phát triển của công ty. Các cuộc đàm phán mới đây chỉ ra rằng Tata Group có thể sẽ là công ty Ấn Độ đầu tiên lắp ráp loạt iPhone mới nhất.
Trong một báo cáo của Bloomberg, Tata Group được cho là đang đàm phán với Wistron Corp, công ty đối tác của Apple có trụ sở tại Đài Loan, để thành lập một liên doanh sản xuất thiết bị điện tử ở Ấn Độ nhằm tìm cách lắp ráp iPhone tại quốc gia tỷ dân. “Các cuộc thảo luận với Wistron Corp của Tata hướng tới mục đích biến Tata trở thành một thế lực trong ngành sản xuất công nghệ. Tập đoàn Ấn Độ muốn khai thác chuyên môn của công ty Đài Loan trong phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng, lắp ráp và cộng tác với những người có kiến thức chuyên môn”, báo cáo chỉ ra thêm.
Tại thời điểm này, iPhone chủ yếu được lắp ráp bởi các đại gia sản xuất Đài Loan như Wistron và Foxconn Technology Group. Giữa Tata Group và Wistron, các cuộc đàm phán đang diễn ra. Tính đến lúc này, thỏa thuận và các chi tiết của hợp đồng vẫn chưa được hoàn tất.
Các báo cáo riêng biệt chỉ ra rằng Tata Electronics, có cơ sở sản xuất ở Tamil Nadu, đã hợp tác với Apple để thiết kế và sản xuất các bộ phận cơ khí cho iPhone trong gần hai năm. Mặt khác, Apple được biết là hợp tác với các công ty địa phương ở những khu vực đặt cơ sở sản xuất. Tuy vậy, lắp ráp iPhone là công việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải đáp ứng thời hạn và kiểm soát chất lượng chặt chẽ của công ty Mỹ. Nhìn chung, khi nói đến Ấn Độ, Apple đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường sản xuất ở đất nước Nam Á và rút ngắn thời gian chậm trễ trong sản xuất iPhone mới, từ sáu đến chín tháng thông thường cho các lần ra mắt.
Foxconn, Pegatron và Wistron - tất cả đều có trụ sở chính tại Đài Loan - từ lâu đã đóng vai trò là nhà sản xuất hợp đồng chính của Apple. Cũng có thông tin cho rằng Foxconn đang trong quá trình nghiên cứu quy trình vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc và lắp ráp thiết bị iPhone 14 tại nhà máy bên ngoài thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ.
Nhìn chung, nếu liên doanh mới giữa Tata Group và Wistron được thông qua, sự hợp tác hứa hẹn mang đến tăng trưởng số lượng iPhone được lắp ráp lên gấp 5 lần so với những gì Wistron hiện đang xây dựng ở Ấn Độ. Báo cáo của Bloomberg thậm chí còn chỉ ra rằng quan hệ đối tác cũng có khả năng dẫn đến việc Tata có thể mua cổ phần của chi nhánh Wistron hoạt động ở Ấn Độ hoặc xây xưởng lắp ráp mới.
Gần đây, Apple đã liên tục chuyển dịch nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao của mình sang nhiều quốc gia châu Á. Trong đó, ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong những nước được Apple nhắm đến để mở rộng sản xuất, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, hồi tháng 8, Apple đã đàm phán để sản xuất các sản phẩm gồm Apple Watch và máy tính xách tay Macbook tại Việt Nam.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm