Thị trường hàng hóa
“Khoảng 90% tiền mặt của chúng tôi là ở SVB”, Sam Franklin, 28 tuổi, giám đốc điều hành (CEO) công ty tuyển dụng Otta chuyên về nhân tài công nghệ có trụ sở tại London cho biết. Sam đã phải chật vật để tìm cách trả lương cho nhân viên của mình vào cuối tháng.
SVB từng được xem là "cơ hội vàng" để các startup tiếp cận thị trường vốn ở Mỹ bởi nó “không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên kinh doanh dồi dào, mà còn cả những cơ hội kết nối trên lãnh thổ Mỹ”.
Trong khi những tác động toàn cầu từ sự sụp đổ của SVB chỉ mới xuất hiện, có một điều rõ ràng rằng nó sẽ ảnh hưởng tới cơ hội được đầu tư của các startup.
Theo sự dẫn dắt của các đồng nghiệp ở California, các startup ở châu Âu và châu Á đã bị thu hút bởi SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ vào năm ngoái, cái tên đã vang lên trong giới công nghệ và cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính chuyên biệt.
Những cảnh báo
Quincy Lee, người sáng lập startup sạc xe điện Electra Era có trụ sở tại Seattle, đã cố gắng rút hàng triệu USD khỏi SVB vào chiều ngày 9/3 khi các dấu hiệu cảnh báo được nhân lên.
Trang web của SVB đã ngừng hoạt động, lưu lượng truy cập bị đình trệ. Một nhân viên dịch vụ khách hàng trao đổi qua điện thoại với Quincy Lee rằng có thể có sự chậm trễ vì quá nhiều người đang cố gắng rút tiền. Đến chiều ngày 13/3, Lee đã nhận được tiền thành công và đang tìm kiếm một ngân hàng thay thế.
Sau một ngày cuối tuần thảo luận căng thẳng về tương lai của SVB, các cơ quan quản lý Mỹ đã tiết lộ một kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho phép khách hàng của SVB tiếp cận với tất cả các khoản tiền gửi của họ.
Tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết chính phủ và Ngân hàng Trung ương Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán riêng chi nhánh của SVB tại Vương quốc Anh cho HSBC, trong một động thái nhằm bảo vệ tiền gửi mà không cần sự hỗ trợ của người nộp thuế.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng đảm bảo với người tiêu dùng rằng SVB có "sự hiện diện rất hạn chế" trong khối. Còn Christoph Stresing, CEO của Hiệp hội khởi nghiệp Đức bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng các công ty trong nước sẽ khởi sắc nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu sụt giảm do lo ngại về ngành ngân hàng và ngay cả những startup không liên kết với SVB cũng đang phải vật lộn.
Rachael Crook, người sáng lập và CEO của startup chăm sóc sức khỏe Lifted có trụ sở tại London cho biết: “Thật khó để hiểu SVB có mối liên hệ với hệ sinh thái khởi nghiệp như thế nào”. Cuối tuần qua, Rachael Crook đã xoa dịu các nhà đầu tư và đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ quan trọng sẽ không gặp khó khăn, sau khi các giám đốc điều hành bày tỏ lo ngại về việc một đối tác tài chính quan trọng có thể có liên quan đến tiền với SVB.
Aleksandr Volodarsky, CEO của startup Lemon.io của Ukraine, gửi tiền tại SVB ở Mỹ, nói với Reuters rằng ông bắt đầu thảo luận về sự sụp đổ với các doanh nghiệp khác trong khu vực vào ngày 9/3.
"Chúng tôi đã bắt đầu chuyển khoản vào sáng ngày 10/3 và vẫn không có gì xảy ra. Chúng tôi đã may mắn vì chúng tôi vừa thanh toán cho các nhà phát triển và kỹ sư chỉ hai ngày trước đó”, Aleksandr cho biết.
Liên doanh có trụ sở tại Thượng Hải của SVB, SPD Silicon Valley Bank (SSVB), cho biết SSVB có cơ cấu doanh nghiệp lành mạnh và bảng cân đối kế toán độc lập. SSVB là ngân hàng đổi mới và công nghệ đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời là ngân hàng liên doanh Trung - Mỹ đầu tiên.
Vì SVB là một trong số ít ngân hàng giúp các công ty mới thành lập dễ dàng mở tài khoản ngân hàng để nhận vốn bằng USD nên đây là ngân hàng nước ngoài chiếm ưu thế đối với các công ty giai đoạn đầu ở Trung Quốc, các cố vấn và công ty cho biết.
Tuy nhiên, nhiều startup và quản lý quỹ của Trung Quốc đang tìm cách rút tiền của họ ra khỏi chi nhánh của SVB tại Mỹ.
Một luật sư của một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc cho biết gần như tất cả tiền mặt hoạt động của các công ty trong danh mục đầu tư của họ, cũng như tiền mặt hoạt động của chính họ được gửi tại SVB và đã dành cả cuối tuần qua để lên chiến lược cho các giải pháp thay thế.
Sau cú sốc cuối tuần, CEO Otta Franklin cho biết công ty của ông sẽ tiếp tục giao dịch với chi nhánh SVB của Vương quốc Anh và thêm tài khoản tại nhiều ngân hàng hơn.
"Bài học lớn đối với nhiều người trong chúng tôi trong ngành này là nếu bạn có nhiều tiền mặt, bạn nên phân bổ nó ra khắp nơi”, Otta Franklin cho hay.
Theo trang web của SVB, SVB đã cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ và khoa học đời sống được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm của Mỹ, và cho hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm.
Trong nhiều thập kỷ, SVB đã làm điều mà hầu hết các đối thủ của SVB từng làm: Giữ một phần nhỏ tiền gửi bằng tiền mặt và sử dụng phần còn lại để mua các khoản nợ dài hạn như trái phiếu. Những khoản đầu tư hứa hẹn lợi nhuận khiêm tốn, ổn định khi lãi suất vẫn ở mức thấp. Nhưng hóa ra SVB đã thiển cận. SVB đã không xem xét những gì đang xảy ra trong nền kinh tế rộng lớn hơn, vốn đã quá nóng sau hơn một năm chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Điều này có nghĩa là SVB đã rơi vào tình trạng chao đảo khi Cục Dự trữ Liên bang, tìm cách chống lại lạm phát nhanh chóng, bắt đầu tăng lãi suất. Những khoản đầu tư từng an toàn đó trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều khi chính phủ phát hành trái phiếu mới với lãi suất cao hơn.
Nhưng không phải tất cả các vấn đề của SVB đều liên quan đến việc tăng lãi suất. Hoạt động kinh doanh của SVB tập trung vào ngành công nghệ, nên SVB bắt đầu gặp khó khăn khi nguồn tài trợ cho các startup bắt đầu cạn kiệt, khiến khách hàng của SVB - bao gồm cả các startup công nghệ và CEO của các startup - khai thác tài khoản của họ nhiều hơn. SVB cũng có một số lượng đáng kể những người gửi tiền lớn, không được bảo hiểm - loại nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khi có dấu hiệu bất ổn. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, SVB đã phải bán một số khoản đầu tư của mình với mức chiết khấu cao.
Sau khi SVB tiết lộ khoản lỗ khổng lồ của mình vào ngày 8/3, ngành công nghệ đã hoảng loạn và các công ty mới thành lập vội vã rút tiền, dẫn đến việc ngân hàng này bị sụp đổ./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm