Thị trường hàng hóa
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi tại Luật Thuế giá trị gia tăng như: Cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; nghiên cứu sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tế;
Thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% theo định hướng nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông (10%) cho phù hợp trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế;
Nghiên cứu sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế;
Sửa đổi quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách;
Tiếp tục sửa đổi một số thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với chính sách mở rộng cơ sở thuế, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).
Theo đó, các mặt hàng được đề xuất đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng...
Luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015 đã nảy sinh bất cập từ khi bắt đầu thực thi đến nay. Mặc dù đã có rất nhiều phản hồi từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất… nhưng vẫn chưa được giải quyết. Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Quy định này khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ước tính với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh. Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%. Điều này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón và người nông dân. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn không được hoàn thuế đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Với hai đơn vị sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí, con số còn lớn hơn nhiều: Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế. Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm