Thị trường hàng hóa
Tập đoàn Samsung cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam, nếu chúng ta vượt qua được thách thức hiện có.
Tại buổi gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, ông Roh Tae-Moon - Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) – cho biết: Tập đoàn đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Đồng thời, sự kiến khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là Trung tâm R&D của Tập đoàn không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về câu chuyện Tập đoàn Samsung - một tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đang chuẩn bị các kế hoạch để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng – Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng: Chip bán dẫn là sản phẩm ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm điện tử khác như phần lõi, mạch của tất cả các sản phẩm điện tử. Theo đó, trên thế giới doanh nghiệp nào nắm được phần mạch sản xuất chip thì doanh nghiệp đó điều khiển được chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo ông Trần Toàn Thắng, việc Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung sẽ sản xuất các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam là một “tin vui” cho nền sản xuất của Việt Nam, đây cũng là tín hiệu tốt cho môi trường đầu ư của Việt Nam nếu thực sự Tập đoàn này chuyển một phần sản xuất lõi vào Việt Nam, vì từ trước đến nay họ chỉ tập trung vào lắp ráp dựa trên linh kiện nhập khẩu từ bên ngoài.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, chip bán dẫn là sản phẩm đòi hỏi yêu cầu cao, vì thế một tập đoàn lớn sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư Việt Nam. Qua đây cũng khẳng định, Việt Nam là điểm đến không chỉ của những sản phẩm lắp ráp, mà cả những sản phẩm mang tính sáng tạo, đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao hơn. Bên cạnh đó, việc Samsung sản xuất sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội tương đối tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, giúp họ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc cao hơn.
Samsung sản xuất lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn cho môi trường đầu tư, cho sản xuất công nghiệp cũng như mở ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nhân lực và quy mô thị trường.
Trong đó về chất lượng nguồn lao động của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên so với các quốc gia trong khu vực vẫn chưa được đánh giá cao.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố hồi đầu tháng 8 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng quản lý. Cụ thể, có khoảng hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, trong khi đó 68% doanh nghiệp cho biết khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể. Nguyên nhân một phần là bởi các chính sách, chi phí đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chưa cao, ngoài ra nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Do đó, câu chuyện lao động Việt Nam đáp ứng đến đâu nhu cầu cho kế hoạch sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Samsung cũng cần được tính đến.
Theo TS Trần Toàn Thắng, thực trạng giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay là đào tạo ở bậc đại học hay trên đại học thì nhiều, nhưng công nhân lành nghề thì lại ít. Trong khi đó, với những ngành sản xuất mang tính kỹ thuật cao, họ không đòi hỏi lao động mang tính cao hẳn, nghiên cứu của đại học hay trên đại học mà là công nhân lành nghề hay kỹ thuật viên đào tạo 3 năm ở trường nghề.
Một vấn đề nữa là, các trường đào tạo của Việt Nam vẫn chưa theo yêu cầu thị trường, để khắc phục vấn đề lao động, giáo dục đào tạo nghề của Việt Nam tới đây cần chú trọng đến nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường thay vì đào tạo theo chủ quan của mình.
Muốn làm được như vậy, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể, ví dụ xem đến năm 2025 Viêt Nam cần bao nhiêu công nhân trong lĩnh vực điện tử, logictics… để có kế hoạch đào tạo phù hợp theo yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách nâng cao năng suất lao động, muốn làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, của nhà nước, nhằm tạo “cú huých” cho đào tạo nguồn lao động.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm