Thị trường hàng hóa
Dù đạt mức xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm nhưng doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đang có nhiều trăn trở bởi chi phí đầu vào tăng cao, khiến doanh thu cao mà lợi nhuận thấp.
Tín hiệu tích cực nhất trong nửa đầu năm nay là sức mua đối với lĩnh vực thời trang tại các thị trường lớn, như châu Âu, Nhật Bản… đã giúp doanh nghiệp dệt may nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc, Tổng công ty May 10 - cho biết: Lượng đặt hàng đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng như veston và sơ mi có đơn đến hết quý III/2022.
Tương tự dệt may, ngành da giày trong nửa đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực. Dù phải chống đỡ với dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nhiều thời điểm gián đoạn, cùng sức mua suy giảm, song nhiều doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng tới hết quý III/2022.
Đơn hàng nhiều là tín hiệu rất tích cực, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang vực dậy sản xuất song các chi phí đầu vào (như logistics, nguyên phụ liệu, xăng dầu…) liên tục tăng đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.
Ước tính sơ bộ của Vinatex, chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tùy từng tuyến đường, chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%. Cùng đó, hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến tài chính của doanh nghiệp.
Tương tự doanh nghiệp dệt may, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: "Hiện đang chịu áp lực lớn do chi phi đầu vào ngày càng đắt đỏ. Có thời điểm, 1 container hàng xuất khẩu phải cộng thêm gần gấp đôi chi phí các loại so với bình thường".
Trong khi đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Có doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập khẩu được nguyên phụ liệu đã không dám nhận đơn hàng.
Dự báo, tăng trưởng những tháng cuối năm có thể chậm lại do thị trường có nhiều biến động bởi xung đột Nga - Ukraine khiến xuất khẩu sang thị trường này gặp khó.
Dù ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, song giới chuyên gia kinh tế cũng lo ngại những bất ổn và lạm phát tăng cao tiếp tục "phủ bóng" lên bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian tới. Hiện tượng "mua quá mức" sau thời gian đại dịch rồi giảm dần, cũng làm gia tăng áp lực dư thừa dẫn tới khả năng cắt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm.
Ở trong nước, nhìn lại hai năm đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị đang là những vấn đề cấp thiết.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex - bày tỏ: Việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh không đơn giản. Dù vậy, ngành dệt may Việt Nam cần tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp dệt may cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối...
Về giải pháp ứng phó với biến động của thị trường theo dự báo, Vinatex sẽ liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá.
Ngoài ra, với doanh nghiệp may mặc có làm hàng FOB, Vinatex cũng lưu ý việc nắm bắt tình hình thị trường, không nhận đơn hàng quá sớm tránh những rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào.
Cùng đồng hành trong nỗ lực khôi phục sản xuất, xuất khẩu, với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 13,44 tỷ USD. Như vậy, con số xuất siêu toàn ngành trong 6 tháng vào khoảng 8,86 tỷ USD. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm