Thị trường hàng hóa
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp cấp bộ trưởng của Đối thoại thương mại chiến lược song phương Ấn Độ -Mỹ tại New Delhi vừa qua, cả hai nước đều bày tỏ mối quan tâm chung trong việc hợp tác dựa trên sự tin tưởng và tín nhiệm lẫn nhau.
Tuyên bố nói thêm rằng việc đẩy mạnh hơn nữa "hội nhập kinh tế của các quốc gia có cùng chí hướng chia sẻ các giá trị dân chủ sẽ tăng cường tính minh bạch, khả năng phục hồi và an ninh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế ở cả hai quốc gia, cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Cuộc họp do Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đồng chủ trì.
Trong quá trình thảo luận về một loạt các vấn đề thương mại, kinh tế số và diễn đàn chính sách thương mại, cả hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của luồng dữ liệu xuyên biên giới với các chính sách và khuôn khổ pháp lý trong nước hiện hành .
Tuyên bố cho biết cả hai bên sẽ tiếp tục hợp tác về dữ liệu xuyên biên giới và các vấn đề liên quan khác, bao gồm cả trong các diễn đàn đa phương thích hợp.
"Cả hai bộ trưởng cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn viễn thông thế hệ tiếp theo, bao gồm cả 6G. Họ mong đợi những nỗ lực bao gồm sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ có liên quan, các tổ chức tiêu chuẩn và các cơ quan trong ngành", tuyên bố cho biết.
Cuối cùng, cả hai bên dự định đẩy mạnh hợp tác trong việc xác nhận và triển khai các thiết bị mạng viễn thông thế hệ tiếp theo đáng tin cậy và an toàn, bao gồm Open RAN, cũng như trong các thế hệ cơ sở hạ tầng viễn thông tiếp theo.
Đầu tháng 2, Quad - một nhóm gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ - đã khẳng định rằng an ninh viễn thông là một vấn đề cốt lõi của an ninh quốc gia và nhóm này sẽ hoạt động để đảm bảo các vấn đề "bảo mật và thực tiễn tốt nhất cho an ninh mạng" được kết hợp trong các công nghệ di động thế hệ tiếp theo.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp của Quad Senior Cyber Group tại New Delhi vào ngày 30 và 31/1, nhóm đã thảo luận về tầm quan trọng của việc sử dụng "các nhà cung cấp đáng tin cậy" trong cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo tuyên bố, động thái này là một phần cam kết chung của nhóm nhằm thúc đẩy các mạng và công nghệ an toàn, linh hoạt, bao gồm việc khám phá các giải pháp mạng mở và có thể tương tác tại mỗi quốc gia.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển mạng 6G để chiếm lĩnh vị trí cao trong lĩnh vực này và xây dựng cơ sở công nghiệp.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G vào năm 2019. Trung Quốc cũng có nhiều bằng sáng chế 6G nhất trên thế giới, theo khảo sát của Nikkei và Viện Cyber Create.
Trung Quốc có 40,3% hồ sơ 6G, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng 6G và chủ yếu là của Huawei và các công ty nhà nước như State Grid Corporation of China và China Aerospace Science and Technology./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm