Thị trường hàng hóa
Vào ngày 6/7, bác sĩ Douglas Weber tại bệnh viện Mount Sinai West ở New York đã luồn một thiết bị dài 3,5cm vào mạch máu não của một người mắc bệnh ALS. Bệnh nhân, người bị mất khả năng cử động và nói, được kỳ vọng sẽ có thể lướt web và giao tiếp qua email và văn bản chỉ bằng suy nghĩ.
Thiết bị có tên là Stentrode, được phát triển bởi công ty công nghệ thần kinh Synchron. Công nghệ này cho phép các chuyên gia đưa chip vào não mà không cần phải cắt qua hộp sọ hoặc làm hỏng mô não. Các bác sĩ chỉ cần rạch một đường ở cổ bệnh nhân, sau đó hệ thống Stentrode sẽ thông qua một ống thông, được đưa vào mạch máu nằm trong vỏ não vận động. Theo bác sĩ thực hiện ca mổ, quá trình thực hiện tương tự như cấy stent mạch vành và chỉ diễn ra trong vài phút.
Sau đó, trong quy trình thứ hai, Stentrode được kết nối với một thiết bị máy tính được cấy vào ngực của bệnh nhân thông qua một dây điện cực. Kỹ thuật này giống như cách cấy máy tạo nhịp tim. Stentrode sẽ đọc các tín hiệu khi các tế bào thần kinh kích hoạt trong não. Cuối cùng, dữ liệu được gửi đến máy tính hoặc smartphone thông qua Bluetooth để giải mã.
Trước đó, Synchron đã cấy thiết bị của mình cho 4 bệnh nhân tại Australia. Những người này không gặp tác dụng phụ nào và có thể thực hiện các tác vụ như gửi tin nhắn WhatsApp và mua hàng trực tuyến thông qua suy nghĩ.
Đây là lần đầu tiên Synchron thử nghiệm công nghệ Stentrode tại Mỹ. Sau nhiều năm cố gắng, công ty đã nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào tháng 7/2021. Thử nghiệm mới này trị giá 10 triệu USD và do Viện Y tế Quốc gia tài trợ.
Synchron đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh bao gồm Neuralink của Elon Musk. Ông Musk thành lập Neuralink vào năm 2016 với mục tiêu phát triển một thiết bị có khả năng kết nối não bộ của con người với máy tính. Công ty của tỷ phú giàu nhất hành tinh đã nộp đơn xin thử nghiệm cấy chip vào não người lên FDA và vẫn đang chờ phản hồi.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm