Thị trường hàng hóa
Mai Sơn là huyện miền núi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sơn La, với tổng diện tích tự nhiên là 1.426,70 km2 dân số 164.225 người, trong đó dân số nông thôn là 143.353 người chiếm 89,77% dân số toàn huyện. Huyện Mai Sơn có vị trí địa lý, có hệ thống giao thông thuận lợi; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều lợi thế cho phát triển các loại cây đặc sản mang tính vùng miền cao.
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Mai Sơn đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Toàn huyện đã chủ động tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, trọng tâm là cao nguyên Nà Sản và các vùng lân cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm một số nông sản của huyện.
Bên cạnh đó, huyện đã rà soát, xác định nhóm cây, con chủ lực như: mía đường, cà phê, sắn và cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc và gia cầm; đã lồng ghép thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp. Tập trung nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, một số mô hình sản xuất rau, quả, cây công nghiệp theo công nghệ tiên tiến trên địa bàn huyện đã cho thu nhập cao, được thị trường ưa chuộng.
Người dân chăm sóc cây ăn quả.
Đến nay, huyện Mai Sơn đã có 187 ha cây trồng áp dụng phương pháp tưới ẩm, tưới nhỏ giọt. Việc ứng dụng công nghệ tưới ẩm, tưới nhỏ giọt đã cho thấy hiệu quả vượt trội, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất tăng từ 15% - 20%. Tính đến hết năm 2020 trên địa bàn huyện có khoảng 5 ha, chủ yếu sản xuất rau, dâu tây và nho được đầu tư trồng trong nhà kính, nhà lưới. Việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực như tránh được nhiều loại sâu bệnh, dịch hại nên giảm thiểu được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, tránh được tác hại xấu của thiên tai và phù hợp cho việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ…
Cao nguyên Nà Sản nơi phát triển các loại cây ăn quả chủ lực của huyện Mai Sơn.
Mặt khác, huyện Mai Sơn đã tập trung ứng dụng công nghệ cao trong ghép mắt cải tạo vườn với tổng diện tích là 1.460 ha vườn cây ăn quả; trồng mới 9.105 ha cây ăn quả giống mới nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 10.565 ha. Không chỉ tăng về diện tích, Mai Sơn còn là một trong những huyện của tỉnh Sơn La có sự đa dạng về cây ăn quả. Huyện đã xây thương hiệu cho 7 sản phẩm, trong đó 5 sản phẩm quả (cấp chứng nhận nhãn hiệu Na dai Mai Sơn, nhãn hiệu Xoài Sơn La, nhãn hiệu Nhãn Sơn La, nhãn hiệu Chanh leo Sơn La, Bơ Sơn La); 01 sản phẩm Cà phê (Chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê Sơn La); 01 sản phẩm rau (nhãn hiệu rau Sơn La).
Đáng chú ý, huyện Mai Sơn đã chú trọng sản xuất “nông nghiệp tốt”. Huyện có 50 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất “nông nghiệp tốt”, trong đó áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là 44 đơn vị với diện tích 407,1 ha trên địa bàn 11 xã, thị trấn, các sản phẩm chủ yếu là cây ăn quả (xoài, nhãn, na, thanh long, chanh leo…) và các loại rau. Sản xuất nông nghiệp thực hành “nông nghiệp tốt” (VietGap) kiểm soát và truy suất được nguồn gốc sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và tạo được ưu thế trong cạnh tranh thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Nông dân xã Chiềng Sung thu hoạch ngô giống.
Trong ứng dụng công nghệ lai tạo giống, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ với sản phẩm khoa học và công nghệ là giống ngô lai LVN10, LVN61, LVN8960, LVN99.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển như: Chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao tại Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Lộc Phát… Huyện chủ trương tuyên truyền vận động Nhân dân ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động, sử dụng hầm biogas trong sản xuất và thí điểm thực hiện mô hình đệm lót sinh học tại 4 xã (Hát Lót, Cò Nòi, Chiềng Mung, Mường Bon).
Qua các hoạt động trên, bức tranh nông nghiệp của huyện Mai Sơn có sự thay đổi rõ rệt, nhiều sản phẩm có giá trị cao, xây dựng được thương hiệu và hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Bước đầu có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, ... kích cầu cho việc tiêu thụ sản phẩm quả của người dân trên địa bàn huyện.
Tỉnh Sơn La tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Mai Sơn đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách 5 năm đạt trên 4.220 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm (năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo 12,77% so với năm 2008 giảm 68%; tỷ lệ hộ cận nghèo 6,2%), cùng với đó bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy, an ninh nông thôn được tăng cường và giữ vững.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chưa phát huy được yếu tố lợi thế và gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện thị trường và giá cả không ổn định, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khó khăn, chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa hình thành được các trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn. Công tác tuyên truyền, vận động tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại một số cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, còn có mặt hạn chế, nhận thức của người dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực. Ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường, xây dựng huyện Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm