Thị trường hàng hóa
Dòng iPhone 14 mới ra mắt của Apple với màn hình tốt hơn, máy ảnh, hỗ trợ truyền thông qua vệ tinh cùng nhiều tính năng mới khác. Trước khi ra mắt, nhiều nhà phân tích tin rằng Apple có thể tăng giá các mẫu iPhone mới nhất trên diện rộng do những thách thức liên tục trong chuỗi cung ứng và tác động lạm phát.
Tuy nhiên, tại Mỹ, Apple giữ nguyên giá của dòng iPhone 14 so với các dòng iPhone 13 đã được ra mắt 1 năm trước đó, dù dòng điện thoại mới được cập nhật nhiều tính năng về màn hình cũng như camera. Mẫu cơ bản của iPhone 14 có mức giá 799 USD, bằng với giá của iPhone 13 năm ngoái. Giá cao nhất iPhone 14 Pro Max bắt đầu từ mức giá 1,099 USD, tương đương iPhone 13 Pro Max.
Trong khi đó, Apple đã tăng giá tại một số thị trường lớn nhất trên toàn cầu. Tại Vương quốc Anh, iPhone 14 được bán với giá từ 849 bảng Anh (984 USD), tăng 185 USD so với mức giá 799 USD được chào bán tại Mỹ. Mức giá này cơ bản cao hơn đáng kể so với mức 779 bảng Anh của iPhone 13.
Còn ở thị trường Australia, giá khởi điểm của iPhone 14 là 904 USD, so với 872 USD khi iPhone 13 được phát hành. Tại Nhật Bản, iPhone 14 có giá từ 817 USD, so với 674 USD khi iPhone 13 được phát hành.
Tại Đức, iPhone 14 có giá khởi điểm 999 Euro (999 USD), trong khi iPhone 13 có giá từ 899 Euro (899 USD) khi phát hành. Như vậy các dòng iPhone đã tăng lên khoảng 100 - 200 USD.
Mức chênh lệch giá này chỉ dành cho các mẫu tiêu chuẩn, trong khi các mẫu cao cấp hơn sẽ có mức chênh lệch giá lớn hơn rất nhiều. Về mức chênh lệch giá giữa các thị trường, Luca Maestri, Giám đốc tài chính Apple cho biết lý do Apple tăng giá điện thoại ở một số quốc gia là do biến động tỷ giá hối đoái.
Về cơ bản, gần như mọi loại tiền tệ trên thế giới đều đang giảm giá so với đồng USD. Đồng USD mạnh gây khó khăn trong việc định giá của Apple ở các thị trường, từ đó khiến việc chuyển doanh thu trở lại đồng USD bị ảnh hưởng.
Tỷ giá hối đoái là một yếu tố rất quan trọng trong hoạt động của Apple, cả từ góc độ doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp. Apple thường xem xét các điều kiện về tỷ giá hối đoái khi tung ra sản phẩm mới, điều này đã dẫn đến việc tăng giá gần đây.
Theo Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook, tình hình biến động gần đây đã khiến công ty bỏ lỡ tỷ lệ tăng trưởng doanh thu 2 con số trong quý gần đây nhất và chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 8%. Nhưng đây không phải đầu tiên Apple thực hiện các chính sách đối phó với các biến động trong thị trường tiền tệ thế giới.
Vào năm 2019, khi đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác, Apple đã điều chỉnh giá ở một số thị trường nước ngoài. Nhưng điều này khiến doanh số thiết bị giảm do giá tăng. Bởi nếu đặt chúng về gần hoặc bằng với giá của đồng nội tệ thì Apple sẽ phải chịu chi phí thay cho người tiêu dùng.
Những biến động tỷ giá hối đoái gần đây đã khiến người tiêu dùng ở một số quốc gia phải trả giá cao hơn cho iPhone. Nhưng trong năm nay, Apple không chứng kiến nhu cầu suy giảm tại các thị trường. Một số thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Việt Nam và các quốc gia khác thậm chí còn chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu 2 chữ số.
Các nhà phân tích cho biết một phần lý do đằng sau sự gia tăng có thể là do chi phí linh kiện ngày càng tăng và sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trên các thị trường mà Apple đã tăng giá. Vì vậy, sự thay đổi trong chính sách giá của Apple là có thể giải thích được.
Tại Trung Quốc đại lục, Công ty nghiên cứu thị trường IDC dự kiến thị trường điện thoại thông minh tại đây sẽ giảm 13% trong năm nay, giảm xuống dưới 300 triệu lô hàng thiết bị lần đầu tiên kể từ năm 2012. Đó có thể là một lý do khiến Apple không thay đổi giá iPhone tại Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của hãng.
Ở một diễn biến khác, Apple không phải công ty duy nhất phải chịu tác động của các xu hướng tiền tệ lên hoạt động kinh doanh và các quyết định về giá cả. Một số ông lớn như chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s, công ty sản xuất các sản phẩm tiêu dùng P&G, Coca Cola… đã báo cáo doanh thu sụt giảm trong quý III/2022.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm