Thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đến tự động hoá.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện ổn định và bền vững hơn.
Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mục tiêu của Việt Nam là không chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới. Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát huy thế mạnh văn hóa và con người Việt Nam để trở thành đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa các chương trình đào tạo, đồng thời đưa các phần mềm hiện đại nhất vào giảng dạy, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm thử và đóng gói.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp được sự tham gia, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn như Cadence, Synopsys, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao NIC phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
GS, TS Trần Xuân Nam - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự khuyến nghị đẩy mạnh kết nối các trường đại học tại Việt Nam với các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới.
Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự nhận định: Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi công nghệ rất cao, thế nhưng Việt Nam chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.
Ông Nam đánh giá rất cao hành động của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC khi xây dựng mô hình kết nối giữa các trường Đại học trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đây là mô hình từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ.
“Để ngành bán dẫn tại Việt Nam có thể bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC cần tiếp tục đẩy mạnh, thậm chí đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối các trường đại học tại Việt Nam với các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới.
Qua đó, các trường có thể tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, biến các trường đại học thực sự trở thành trung tâm kết nối đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn”, ông Nam nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm