Thị trường hàng hóa
Ngày 26/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thông báo thành lập Cơ quan cố vấn cấp cao về AI, gồm 39 thành viên, có vai trò giải quyết các vấn đề trong quản trị quốc tế về AI.
Theo đó, các thành viên Ban cố vấn bao gồm giám đốc điều hành các công ty công nghệ, quan chức chính phủ của Tây Ban Nha, Ả rập Saudi, các học giả từ Mỹ, Nga, Nhật, Ai Cập, Trung Quốc. Đây đều các chuyên gia độc lập và có sự cân bằng về giới tính, đa dạng về mặt địa lý và có đại diện của mọi lứa tuổi. Các thành viên có kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ, xã hội dân sự và học viện.
Trong số các chuyên gia có ông Hiroaki Kitano - Giám đốc Công nghệ tập đoàn Sony, bà Mira Murati - Giám đốc Công nghệ công ty OpenAI, bà Natasha Crampton - Giám đốc chịu trách nhiệm về AI của tập đoàn Microsoft…
Chia sẻ trong cuộc họp báo, ông Guterres cho rằng tiềm năng tốt đẹp của AI vẫn còn khó nắm bắt.
“Việc sử dụng AI với mục đích xấu có thể làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và đe dọa chính nền dân chủ”, ông Guterres nhấn mạnh.
Theo Reuters, kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái, sự quan tâm đến công nghệ AI đã lan rộng khắp thế giới, khiến nhiều nhà nghiên cứu lo ngại AI có thể gây ra "rủi ro đối với xã hội".
Trong khi nhiều chính phủ đang nỗ lực xây dựng luật để điều chỉnh sự phổ biến của AI, các nhà nghiên cứu và nhà lập pháp đã kêu gọi sự hợp tác trên toàn cầu.
Việc thành lập Cơ quan cố vấn về AI đánh dấu một bước lớn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề trong quản trị AI quốc tế. Sáng kiến mới sẽ thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện trên toàn cầu.
Liên Hợp Quốc cho biết các nhiệm vụ trước mắt của Cơ quan cố vấn về AI là xây dựng sự đồng thuận khoa học toàn cầu về rủi ro cũng như thách thức, giúp khai thác AI cho các mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường hợp tác quốc tế về quản trị AI.
Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ đưa ra các khuyến nghị sơ bộ vào cuối năm 2023 và các khuyến nghị cuối cùng vào mùa hè năm 2024.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm