Thị trường hàng hóa
Theo Layoffs.fyi, trang web chuyên theo dõi các báo cáo công khai về hoạt động sa thải nhân sự của các doanh nghiệp, tình trạng sa thải quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu từ quý II/2022. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, có tới 170 doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ sa thải nhân viên, so với chỉ 20 doanh nghiệp trong quý I/2022.
Lạm phát cao, hoạt động kinh tế chậm lại và lãi suất tăng tiếp tục ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khi số lượng công ty thông báo sa thải đã lên tới 238 trong quý III. Trong 7 tháng vừa qua, tổng cộng 527 công ty khởi nghiệp đã sa thải 71.175 nhân viên.
Thông tin nội bộ mới đây từ Snap, công ty mẹ của ứng dụng Snapchat cho thấy công ty đang lên kế hoạch sa thải nhân viên do triển vọng kinh doanh kém khả quan. Dù quy mô của kế hoạch sa thải vẫn chưa rõ ràng, nhưng thông báo trên đưa Snap vào danh sách dài các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phải giảm cắt giảm nhân sự để đối phó với lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong tháng 5, nền tảng bán lẻ xe cũ trực tuyến Carvana đã sa thải 2.500 nhân sự. Cùng thời điểm đó, các nền tảng Netflix và PayPal cũng cắt giảm lao động nhưng với số lượng ít hơn.
Cụ thể, trong quý II/2022, Netflix sa thải 450 nhân sự, tương đương 4% tổng số lao động, còn PayPal chấm dứt hợp đồng lao động với 83 nhân viên. Tháng trước, Tesla đã sa thải hàng trăm công nhân và đóng cửa một trụ sở ở bang California (Mỹ) chuyên về hệ thống tự lái (autopilot). Trước đó, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho rằng việc sa thải là cần thiết giữa lúc môi trường kinh doanh ngày càng u ám.
Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google đã thông báo sẽ hạn chế tuyển dụng trong hai quý còn lại của năm nay, chỉ dành ưu tiên cho bộ phận kỹ thuật. Sau khi tuyển dụng gần 10.000 người trong quý II, gã khổng lồ tìm kiếm hiện có 164.000 nhân viên.
Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group cũng đã sa thải 4.375 nhân viên khi các công ty công nghệ toàn cầu thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát, chi phí nguyên vật liệu và căng thẳng chính trị gia tăng.
Trong khi đó, các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Meta Platform (công ty mẹ của Facebook) cũng đang hạn chế tuyển dụng. Thậm chí, một số công ty như Amazon, đối thủ của Alibaba, cũng đã cắt giảm khoảng 100.000 nhân sự.
Công nghệ tài chính (fintech) cũng là một trong những lĩnh vực chứng kiến tình trạng sa thải lao động, do các vụ lừa đảo, sự gia tăng các cuộc tấn công của tin tặc và tình trạng rớt giá thảm hại của tiền điện tử trong vài tháng qua. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, các tên tuổi đình đám trong lĩnh vực công nghệ tài chính như ứng dụng giao dịch chứng khoán trực tuyến Robinhood, nền tảng giao dịch kỹ thuật số OpenSea, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đều cắt giảm 20-33% số lượng nhân viên, do ảnh hưởng của hiện tượng được gọi là “mùa đông của tiền điện tử”.
Thị trường công nghệ đã bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm 2022. Hàng nghìn tỷ USD trên thị trường đã mất đi chỉ trong vòng vài ngày vào tháng 5 do thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên Bang để chống lại lạm phát gia tăng thông qua lãi suất cao hơn.
Cổ phiếu công nghệ thường không tăng giá tốt trong môi trường kinh tế bất ổn với lãi suất cao và giá cả leo thang. Do đó, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các mặt hàng an toàn hơn như vàng, trong khi các cổ phiếu đầu cơ và rủi ro cao như công nghệ lại rơi vào tình trạng "đóng băng".
Các yếu tố khác như ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra cũng góp phần làm tăng thêm sự bất ổn của nền kinh tế, khiến toàn bộ thị trường lâm vào trạng thái hỗn loạn. Cũng vì đó mà cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể còn mắc kẹt lâu dài trong hố sâu của suy thoái thị trường.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm