Thị trường hàng hóa
Nghiên cứu và phát triển (R&D) là khía cạnh quan trọng giúp Huawei tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Hàng năm, Huawei chi hơn 10% doanh thu (tương đương 15-20 tỷ USD) để tái đầu tư cho R&D.
Tuy nhiên trong năm 2021, tổng chi phí R&D lên đến 142,7 tỷ CNY (gần 22,5 tỷ USD), bằng 22,4% tổng doanh thu của tập đoàn. Tỉ lệ đầu tư R&D trên tổng doanh thu của Huawei cao gần gấp đôi 2 hãng công nghệ Amazon và Alphabet và cao hơn gấp 3 lần so với Apple.
Thay vì ra mắt từng sản phẩm, việc giới thiệu một loạt thiết bị thể hiện tham vọng của Huawei trong việc xây dựng hệ sinh thái văn phòng thông minh. Đây là kết quả của quá trình đầu tư R&D được Huawei đẩy mạnh trong khoảng 6 năm trở lại đây.
Trong thời gian này, tập đoàn phát triển rất nhiều công nghệ, giải pháp như khả năng xử lý video Ultra HD với độ trễ rất thấp mang lại trải nghiệm xem tốt hơn; công cụ hình ảnh True-Chroma... cung cấp trải nghiệm hình ảnh và video mượt mà hơn. Ông lớn công nghệ cũng liên tiếp ra mắt các giải pháp mới trong nhiều lĩnh vực chính yếu như: điện toán không gian, video không gian, tái tạo hình ảnh 3D tạo ra trải nghiệm thực tế ảo.
Với sự đầu tư lớn cho R&D, Huawei tạo ảnh hưởng toàn cầu với những nền tảng công nghệ tiên tiến, nổi bật là công nghệ 5G. Để tiếp tục ứng dụng thương mại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng 5G, tập đoàn thành lập các trung tâm nghiên cứu 5G với các nhà mạng trên toàn thế giới.
Ông lớn công nghệ Trung Quốc hiện đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Đầu tư R&D công nghiệp châu Âu 2021 của Ủy ban châu Âu (công bố vào tháng 12/2021). Huawei thành lập trung tâm R&D châu Âu đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 2000.
Trong năm 2020, tập đoàn tiếp tục xây dựng các trung tâm nghiên cứu như trung tâm tại miền đông nước Anh (trị giá 1,2 tỷ USD). Hiện tập đoàn có 23 trung tâm R&D khắp châu Âu.
Lấy R&D làm vũ khí cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn toàn cầu, Huawei không ngừng nghiên cứu và đi trước đối thủ. Với nhiều nỗ lực, vào tháng 6/2020, Huawei xếp thứ 6 trong danh sách 50 công ty sáng tạo nhất, theo bảng xếp hạng của Boston Consulting Group.
Vị trí của tập đoàn tăng 42 bậc so với bảng xếp hạng năm trước. Đây là thứ hạng cao nhất của Huawei kể từ lần đầu lọt vào danh sách năm 2012.
Huawei cho biết họ có 195.000 nhân viên vào năm 2021, trong đó 107.000 (khoảng 55%) "làm việc trong lĩnh vực R&D". Trước sức ép từ các lệnh trừng phạt, Huawei đã tìm cách huy động vốn bằng cách bán bớt tài sản, cũng như dựa vào nguồn thu từ các bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ.
Huawei luôn coi nền tảng của sự đổi mới sáng tạo là sự tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tập đoàn có một trong những danh mục bằng sáng chế lớn nhất thế giới và đến cuối năm 2021, Huawei nắm giữ 110.000 bằng sáng chế đang hoạt động. Về số lượng bằng sáng chế được cấp vào năm 2021, hãng đứng số 1 tại Cục quản lý sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc và Văn phòng sáng chế châu Âu, đứng số 5 tại Văn phòng bằng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ.
Trong 30 năm phát triển đầy thử thách, Huawei đã cung cấp dịch vụ viễn thông đến 3 tỷ người tại hơn 170 quốc gia. Tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm luôn là kim chỉ nam cho sự tồn tại của hãng, với chiến lược chủ đạo là đầu tư trường kỳ cho R&D. Từ đó, hãng công nghệ mang đến những sản phẩm và sáng kiến chất lượng cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm