Thị trường hàng hóa
Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo công bố sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024. Theo đó, chủ đề của chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”.
Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia. Đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Đây là sự tiếp nối chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của ngày chuyển đổi số ngân hàng năm 2023. Đồng thời khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo NHNN, chủ đề của chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”.
Theo NHNN, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Sau 3 năm triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN 2021 ngày 11/5/2021, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Từ năm 2020-2022, NHNN xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Đến nay, có khoảng 77,4% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,9% về số lượng và 12,7% về giá trị. Thanh toán qua mã QR tăng tương ứng 242,5% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng khá. Giao dịch này tăng 59,6% về số lượng và 32,7% về giá trị.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất tích cực và nỗ lực để triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong quá trình phổ cập các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Qua đó đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tính đến nay, có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp qua ứng dụng điện thoại. 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm