Thị trường hàng hóa
Sàn giao dịch tiền điện tử FTX từng là một tượng đài của thế giới crypto, những người quan tâm đến công nghệ Blockchain và lĩnh vực tiền mã hóa cũng không xa lạ với Sam Bankman - Fried, nhà sáng lập kiêm CEO của sàn giao dịch FTX. Ông đồng thời cũng là giám đốc Alameda Research, một trong những quỹ đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất thị trường tiền số.
Năm 2019, Sam thành lập sàn giao dịch tiền mã hóa FTX. Vào tháng 1/2022, sàn giao dịch FTX đã huy động được 400 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C, với mức định giá lên tới 32 tỷ USD. Điều này khiến FTX nhanh chóng vươn lên trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa thứ 2 thế giới và thứ 1 tại Mỹ.
Thế nhưng, cuối tuần trước FTX đã đệ đơn phá sản tại Hoa Kỳ và CEO Sam Bankman-Fried đã từ chức sau khi cuộc khủng hoảng thanh khoản bỗng chốc ập đến khiến FTX phải chật vật để huy động khoảng 9,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư và đối thủ. Sự sụp đổ của đế chế FTX được xem là một cú sốc lớn đối với hệ thống tiền điện tử và có thể gây ra tác động lớn đối với toàn bộ ngành.
Nguyên nhân khởi nguồn cho khủng hoảng FTX dường như bắt đầu từ việc Alameda Research, đã phải chịu một loạt thua lỗ từ các giao dịch bao gồm một thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD với Voyager Digital, và khoản 1,4 tỷ USD do chi nhánh của FTX ở Mỹ đã trả trong một cuộc đấu giá. Để tìm cách hỗ trợ Alameda, Sam đã chuyển ít nhất 10 tỷ USD trong quỹ FTX cho Alameda. Một phần lớn trong số quỹ FTX này là tiền gửi của khách hàng.
Báo cáo tài chính của Alameda tiết lộ phần lớn tài sản của công ty được tạo thành từ các mã thông báo FTT (tiền điện tử của FTX). Điều này đồng nghĩa với việc Alameda không nắm giữ nhiều tài sản bằng tiền pháp định hay tiền điện tử, thay vào đó là một mã thông báo kém thanh khoản được kiểm soát bởi công ty khác do Bankman Fried điều hành, ở đây là sàn FTX.
Hơn nữa, Alameda nắm giữ lượng FTT tương đương khoảng 6,1 tỷ USD. Trong khi FTX tuyên bố rằng tổng lượng FTT đang lưu hành chỉ có giá trị khoảng 5,1 tỷ USD. Chính vì vậy, trong hai ngày qua, hàng trăm triệu USD tiền mã hoá đã bị rút khỏi FTX. Điều này bất ngờ đẩy FTX vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt trầm trọng. Đến ngày 8/11, họ đã phải ngừng xử lý yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Mặt khác, nguyên nhân của sự cố cũng đến từ những căng thẳng giữa FTX và Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa số 1 thế giới. Vài giờ sau khi FTX mất khả năng thanh khoản, CEO Changpeng Zhao (CZ) của Binance thông báo sẽ mua lại FTX.
Tuy nhiên, sau đó, sàn giao dịch tiền điện tử này đã huỷ bỏ quyết định mua lại FTX. Binance nói rằng, ban đầu họ hy vọng có thể hỗ trợ người dùng của FTX để cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng của Binance. Sau thông báo từ chối mua lại FTX của Binance, lần đầu tiên kể từ năm 2020 Bitcoin lao dốc thảm hại xuống dưới mốc 16.000 USD.
Sự kiện FTX phá sản kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến một chuỗi dây chuyền các nền tảng có liên quan. BlockFi - một công ty cho vay tiền kỹ thuật số từng được FTX giải cứu bằng gói hỗ trợ 400 triệu USD đã tạm dừng việc rút tiền của khách hàng.
Genesis Trading thông báo hoạt động kinh doanh phái sinh của họ có khoảng 175 triệu USD bị khóa trên tài khoản giao dịch FTX. Trong khi đó, tỷ phú cho biết, công ty Galaxy Digital Holdings của ông có thể sẽ không thể khôi phục khoản đầu tư 77 triệu USD vào FTX.
Mất mát nhiều nhất có thể là nhóm các nhà đầu tư tổ chức đã rót tổng cộng 1,8 tỷ USD vào FTX trong những năm qua. Những nhà đầu tư này bao gồm SoftBank, Sequoia Capital, Công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings, Tiger Global Management… Nhiều nhà đầu tư bao gồm SoftBank, Sequoia Capital cho biết họ sẽ bút toán xóa hết giá trị của các khoản đầu tư của họ ở FTX.
Một số nhà phân tích lo ngại hiệu ứng domino từ vụ sụp đổ của FTX có thể cũng đe dọa sự ổn định tài chính nói chung, tương tự như sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman vào năm 2008. Tuy nhiên, thị trường tiền ảo chưa được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu vì có ít liên kết với các hoạt động kinh tế thực ngoài lĩnh vực tài chính.
Nhưng giống như các công ty tiền ảo khác, FTX đã đầu tư rất nhiều vào các khoản tài trợ thể thao, bao gồm quan hệ đối tác và quyền đặt tên đội trong các giải bóng rổ chuyên nghiệp, bóng chày và đua xe Công thức 1. Năm 2021, FTX đã ký một hợp đồng 19 năm trị giá 135 triệu USD để đổi tên đội bóng rổ nhà nghề Mỹ American Airlines Arena thành FTX Arena.
Major League Baseball cũng đã đạt được một thỏa thuận kéo dài 5 năm tính từ năm 2021 để FTX trở thành sàn giao dịch tiền điện tử chính thức, quan hệ đối tác còn bao gồm việc đưa logo FTX lên đồng phục của trọng tài. FTX cũng là đối tác trao đổi tiền điện tử chính thức của đội đua Công thức 1 Mercedes-AMG Petronas.
Sự sụp đổ của FTX khiến các dự án ngành công nghiệp thể thao đứng trước tương lai bất định. Ngoài ra, Quỹ đầu tư của FTX hiện cũng cam kết rót vốn cho khoảng 50 dự án khác.
Sự sụp đổ của FTX trong tuần này là một thảm kịch và sự thất bại hoàn toàn trong quản trị nhưng nó sẽ không làm nền kinh tế tiền điện tử chìm nghỉm. Cuộc khủng hoảng của công ty Sam Bankman-Fried sẽ thúc đẩy xu hướng quay trở lại các tổ chức tiền điện tử được quản lý cũng như chuyển hướng trở lại đối với các cá nhân nắm giữ tài sản tiền điện tử trên khóa riêng của họ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm