Thị trường hàng hóa
Hàn Quốc sẽ trình diễn công nghệ không dây thế hệ thứ 6 (6G) với thế giới vào năm 2026, Bộ Khoa học và CNTT cho biết khi tiết lộ kế hoạch mạng lưới tiên tiến của chính phủ được gọi là chiến lược "K-Network 2030".
Để thực hiện màn trình diễn kỹ thuật này, chính phủ Hàn Quốc sẽ tổ chức một sự kiện quốc tế, được gọi là 6G Vision Fest, và mời các công ty viễn thông hàng đầu, chuyên gia và các lãnh đạo cấp bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới tham dự.
Bộ Khoa học và CNTT cho biết hiện Hàn Quốc đang đánh giá sơ bộ tính khả thi của các dự án nghiên cứu và phát triển trị giá 625,3 tỷ won (482,7 triệu USD). Các dự án, một khi được phê duyệt, sẽ bao gồm phát triển công nghệ 6G để thương mại hóa, mạng truy cập vô tuyến mở - thường được gọi là Open Ran - cũng như các vật liệu, bộ phận và thiết bị có liên quan.
Theo phân tích bằng sáng chế của Đức, Iplytics, Hàn Quốc đứng thứ hai sau Trung Quốc về tỷ lệ các bằng sáng chế tiêu chuẩn toàn cầu liên quan tới công nghệ không dây 5G, ở mức 25,9 %. Bộ Khoa học và CNTT có kế hoạch đảm bảo tỷ lệ bằng sáng chế chuẩn 6G đạt tỷ lệ 30% hoặc cao với sự hỗ trợ về chính sách và tài chính.
Theo Chiến lược “K-2030 Network”, chính phủ Hàn Quốc sẽ ra mắt các vệ tinh truyền thông quỹ đạo tầm thấp (LEO) vào năm 2027 để kiểm tra công nghệ cốt lõi của anten và modem để chuẩn bị cho các dịch vụ truyền thông trong tương lai. Các vệ tinh LEO sẽ vận hành trong lĩnh vực quốc phòng sau năm 2030.
Cũng theo Bộ Khoa học và CNTT, chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch thúc đẩy thiết lập một mạng lưới thử nghiệm Internet lượng tử, mở rộng mật mã lượng tử vào khu vực công và phát triển mật mã hậu lượng tử (post-quantum) để bảo đảm thị trường truyền thông lượng tử.
Đối với cơ sở hạ tầng mạng hiện có, Bộ Khoa học và ICT cho biết sẽ nâng cấp các mạng riêng để nâng cao chất lượng kết nối Internet vào năm 2024. Chính phủ có kế hoạch tăng gấp đôi tốc độ của mạng trục vào năm 2026 và tăng gấp 4 lần cho đến năm 2030 trong khi bổ sung các đường cáp biển.
Bộ Khoa học và CNTT sẽ bảo đảm công nghệ bán dẫn trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa việc sử dụng điện của các mạng viễn thông.
Bộ sẽ thiết lập một hệ thống hỗ trợ phần mềm mạng, mạng SW House và bắt đầu hoạt động vào năm tới để giúp thúc đẩy lĩnh vực phần mềm mạng của đất nước phát triển.
Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng số lượng trung tâm nghiên cứu CNTT và truyền thông tại các trường đại học để thúc đẩy các chuyên gia mạng lưới và thành lập một trường sau đại học mới trong năm nay.
Ông Lee Jong-ho, Bộ trưởng Bộ Khoa học và ICT cho biết: “Mạng lưới là một nền tảng thiết yếu để cung cấp dịch vụ số, là yếu tố cốt lõi của an ninh quốc gia và là ngành công nghiệp quốc gia lớn. Thông qua ưu tiên đầu tư cho công nghệ mạng thế hệ tiếp theo như 6G, Open RAN và vệ tinh, chúng tôi sẽ tham gia vào cuộc chiến công nghệ toàn cầu dựa trên sự hợp tác giữa các khu vực công và tư nhân”.
Bộ trưởng Lee đã thảo luận về các kế hoạch hành động cho chiến lược K-Network 2030 với các quan chức từ Samsung Electronics, LG Electronics và Viện nghiên cứu điện tử và viễn thông do nhà nước điều hành tại khuôn viên R&D của Samsung Electronics tại Seoul.
Cũng theo Bộ trưởng Lee, Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước để chuẩn bị cho sự thay đổi mô hình của mạng tập trung vào đám mây và phần mềm để có thể mở rộng thị phần toàn cầu và xuất khẩu thiết bị mạng của Hàn Quốc”.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), với chiến lược “K-Network 2030”, Hàn Quốc nhằm mục đích đánh bại phần còn lại của thế giới với công nghệ 6G.
Theo nhận định của ông Zhang Yongtao, Phó tổng giám đốc bộ phận công nghệ Ericsson China, 6G sẽ hợp nhất cả ảo và thực tế cũng như 6G nhằm đưa truyền thông ba chiều ra khỏi khoa học viễn tưởng và đi vào thực tế./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm