Thị trường hàng hóa
Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số (CĐS), xây dựng TPTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2025 thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS”.
Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành TPTM, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh (ĐTTM) trong khu vực và thế giới, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với từng lĩnh vực, Hà Nội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về CĐS, xây dựng TPTM; Phấn đấu 100% thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, trên nhiều phương tiện hiện đại; Hoàn thành từ 90% trở lên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu cung cấp dịch vụ công, hình thành hệ sinh thái chính quyền số; Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 30%, phủ mạng Internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình; Tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, việc cấp chữ ký số (CKS) cho công dân là một trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CĐS mà Hà Nội đang nỗ lực triển khai.
Nghị quyết số 18-NQ/TU đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của CĐS và triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung.
Đến nay, chính quyền số từng bước được triển khai, hạ tầng số bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động CĐS khác. Kinh tế số, xã hội số đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không dùng tiền mặt; Xếp hạng chỉ số TMĐT của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng đạt 90%.
Trong năm 2023, thành phố triển khai 3 hệ thống quan trọng gồm hệ thống thông tin giải quyết TTHC liên thông 3 cấp (còn gọi là phần mềm "một cửa"), phần mềm quản lý văn bản và phần mềm quản lý đảng viên.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận về CĐS.
"Khi nào chúng ta còn "khoán trắng" công tác CĐS cho cán bộ tin học, trung tâm tin học thì lúc đó CĐS còn thất bại. Chỉ khi nào nhận thức được CĐS là "sống còn", bản thân chúng ta phải tự muốn đổi mới trong từng lĩnh vực, từng khâu để năng suất cao hơn thì khi đó chúng ta mới thành công được”, ông Thanh nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, thành phố sẽ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, CĐS.
Thành phố cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện DVCTT, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN, chuyển từ thụ động sang chủ động.
Theo chia sẻ của chị Mai Thị Thu Huyền (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), trước đây mỗi khi đi làm các loại giấy tờ, TTHC, chị đều phải đến các cơ quan công quyền để ký trực tiếp. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU, chị được cán bộ tại bộ phận một cửa UBND quận Thanh Xuân hướng dẫn và tạo CKS miễn phí. Nhờ CKS, giờ đây chị có thể thực hiện các TTHC trực tuyến, giao dịch TMĐT, kê khai thuế... ở bất kỳ nơi nào, lúc nào mà không cần tới tận nơi, in ra giấy ký trực tiếp như trước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm