Thị trường hàng hóa
Theo Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP. Hà Nội từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025, TP. Hà Nội sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Điều 13 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2023/ND-HĐND.
Cụ thể, trong năm 2024, TP. Hà Nội dự kiến địa điểm thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng hỗ trợ: 28 cơ sở; với tổng kinh phí hỗ trợ: 3,657 tỷ đồng.
Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai. 49 cơ sở sẽ nhận được hỗ trợ của UBND TP. Hà Nội. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 6,551 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND TP. Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quý I/2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 3,76%, cao hơn 1,62% so với cùng kỳ năm 2023 (ngành Nông nghiệp cả nước chỉ tăng 2,98%). Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và biến động trên thị trường. Nhờ sự chủ động, linh hoạt chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, tạo những đột phá ở các quý tiếp theo.
Thời gian tới, để việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tham mưu Ủy nhân nhân dân thành phố Hà Nội cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số; phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm