Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo thường niên của Meta & Bain Company, Đông Nam Á đang vượt mặt nhiều khu vực trên thế giới trong việc áp dụng fintech và web3, bao gồm cả các công cụ liên quan đến metaverse. Trong các danh mục như ví điện tử, tiền điện tử và mã thông báo không thể thay thế (NFT), Đông Nam Á chứng kiến mức độ thâm nhập cao hơn so với hầu hết các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản và thậm chí cả Trung Quốc.
Các tác giả của báo cáo cũng so sánh Đông Nam Á với Ấn Độ, quốc gia hiện đang dẫn đầu về mức độ thâm nhập ví điện tử. Báo cáo cho thấy “Đông Nam Á không bị bỏ xa quá xa”.
Thanh toán số vẫn là lĩnh vực lớn nhất trong mảng fintech với tổng giá trị giao dịch có thể sẽ đạt 195,8 tỷ USD trong năm nay. Sự tăng trưởng của các công ty web3 và blockchain tại Đông Nam Á cũng rất đáng chú ý. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các startup blockchain Đông Nam Á kêu gọi thành công 525 triệu USD trong 24 thương vụ, cao hơn so với tổng vốn kêu gọi được ở lĩnh vực này từ năm 2018 đến năm 2020. Mặc dù ngành công nghiệp này vẫn còn non trẻ song việc gọi vốn tăng mạnh là một dấu hiệu tích cực.
Malaysia và Singapore đang đi đầu trong việc áp dụng ngân hàng internet, phần còn lại của Đông Nam Á vẫn đang bắt kịp. Ở một chiều hướng khác, tiền điện tử và NFT cũng mang lại cơ hội tạo thu nhập mạnh mẽ. Trải nghiệm của công nghệ liên quan đến metaverse như thực tế tăng cường, thực tế ảo, thế giới ảo, tiền điện tử và NFT sẽ phát triển từ các ứng dụng 2D hiện tại, thành trải nghiệm 3D ảo trong hai đến ba năm tới.
Trong những báo cáo gần đây, có hơn 70% dân số trưởng thành ở khu vực Đông Nam Á bị xem là "lạc hậu" khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc hoàn toàn không có tài khoản ngân hàng. Fintech lúc này trở thành đại diện cung cấp cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính công nghệ số cho những khách hàng chưa được tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra lĩnh vực đào tạo và phát triển cũng như làm việc ảo, tổ chức các sự kiện xã hội trong thế giới ảo sẽ có mặt trong khu vực trong 10 đến 15 năm nữa. Ngoài ra, báo cáo lưu ý rằng dân số tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á vẫn đang tăng trưởng ổn định và dự báo sẽ đạt 370 triệu người vào cuối năm 2022, chiếm 82% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 402 triệu vào năm 2027.
Dân số lao động của khu vực được xác định là những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi, dự kiến sẽ tăng thêm 23 triệu người vào năm 2030. Indonesia sẽ dẫn đầu xu hướng này, với dự báo dân số lao động sẽ tăng thêm 13 triệu người. Tiếp theo là Philippines (9 triệu), Malaysia và Việt Nam (2 triệu mỗi nước).
Điều đó nói lên rằng, Đông Nam Á cũng có dư địa để phát triển về healthtech và edtech. Đặc biệt, healthtech trong khu vực đã vượt xa các thị trường phát triển như Mỹ và EU. Meta & Bain cho biết: “Điều này có thể là do sức mạnh của nghiên cứu khoa học sự sống ở hai thị trường này và sự thèm muốn đầu tư mạo hiểm của các công ty khởi nghiệp về công nghệ sức khỏe”.
Nhìn chung, bất chấp triển vọng vĩ mô và vấn đề “thắt lưng buộc bụng” toàn ngành, các doanh nghiệp nên duy trì quá trình đầu tư và phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á. Đông Nam Á mở ra rất nhiều cơ hội cho các nền tảng kinh tế và cơ cấu vững chắc. “Đông Nam Á là một thị trường rất hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ cơ hội đặt trụ sở và phát triển sự hiện diện trên thị trường của mình trên toàn khu vực”, Meta & Bain kết luận.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm