Thị trường hàng hóa
Ngày 23/10, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay tỉnh đã hỗ trợ nhiều hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số như: hỗ trợ cho hơn 100 doanh nghiệp duy trì 438 sản phẩm kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn. Tỉnh cũng hỗ trợ mở tài khoản sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc 385 sản phẩm cho 71 đơn vị, đăng ký 110 website bán hàng.
Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được 11 doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số đặt trụ sở làm việc hoặc văn phòng đại diện trong không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình chuyển đổi số đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh, trong đó có 26 “Căn tin không dùng tiền mặt” ở các trường học. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tỉnh cũng đã xét duyệt, hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp đạt đủ điều kiện, đang xem xét hỗ trợ 42 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ được tiếp tục kéo dài đến hết năm 2025.
Tỉnh Cà Mau luôn xác định, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà cuộc cách mạng trên mang lại.
Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ nên không có nhân sự chuyên về công nghệ thông tin, chưa dành đủ ngân sách để đầu tư vào công nghệ mới, phần mềm và hạ tầng cần thiết cho chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đồng Tháp, phó trưởng ban chỉ đạo đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, chủ động đầu tư vào công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp triển khai các dự án chuyển đổi số.
Về cuộc cách mạng số, ông Trần Văn Trung - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương. Thời gian qua, Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để thực hiện số hóa, ngành thông tin tỉnh đã tham mưu phát triển hạ tầng số với mạng lưới viễn thông, cáp quang Internet… được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng, nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính. Bên cạnh đó, trung tâm giám sát, điều hành thông minh được vận hành đã giúp lãnh đạo các cấp kịp thời theo dõi, giám sát và ra quyết định liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về tạo lập dữ liệu số, tỉnh đã hoàn thành triển khai 13 cơ sở dữ liệu dùng chung và 86 tập dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; về kinh tế số, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% khóm/ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng…
“Chuyển đổi số ở Cà Mau bước đầu đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên nhiều mặt và tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển dịch cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số. Chúng tôi luôn xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà cuộc chuyển đổi trên mang lại", người đứng đầu ngành thông tin tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Ông Trung cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp như: đề xuất Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Đồng thời, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển chính quyền số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm