Thị trường hàng hóa
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, người dân có thể dễ dàng sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNEID thay thế thẻ BHYT giấy để đi khám chữa bệnh BHYT.
Cụ thể, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng trên nền tảng thiết bị đi động “VssID - BHXH số” nhằm thiết lập kênh giao tiếp, cung cấp cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT các thông tin, tiện ích, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thay thế thẻ BHYT giấy và sổ BHXH giấy.
Ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh BHYT của người dân, cung cấp các thông tin liên quan đến việc khám chữa bệnh, lịch sử khám chữa bệnh BHYT... giúp người dân, người lao động chủ động quản lý các thông tin khám chữa bệnh ,trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi người tham gia, đảm bảo sự công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách.
Từ ngày 1/6/2021, người dân trên toàn quốc được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.
Sau hơn một năm triển khai, hiện nay trên toàn quốc đã có khoảng 26.322.237 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 713.018 người với 1.299.323 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.
Việc khám chữa bệnh thông qua hình thức sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là giảm thời gian kê khai thông tin và đối chiếu dữ liệu khi khám chữa bệnh, hạn chế việc phải làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy, giúp người tham gia không lo mất, hỏng thẻ BHYT giấy như trước đây…
Bên cạnh đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, về cơ bản người dân đã có thể sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT. Sau gần 5 tháng triển khai thí điểm việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, hiện toàn quốc đã có 6.856 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 335.647 lượt tra cứu thành công phục vụ việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Không chỉ tạo thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh, thời gian cấp mới thẻ BHYT cũng được rút ngắn. Nếu như trước đây để cấp thẻ cần từ 10 ngày thì nay rút ngắn xuống còn 5 ngày. Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT nếu không thay đổi thông tin, việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT nếu thay đổi thông tin, việc cấp lại, đổi thẻ được cải cách từ 7 ngày xuống còn không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Thời gian cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Nếu như trước đây, theo quy định, BHXH huyện, tỉnh nào thì có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (đối với thẻ không thay đổi thông tin) ở huyện, tỉnh đó, thì từ ngày 16/8/2021 đến nay, BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (mà không thay đổi thông tin) theo mẫu thẻ BHYT mới cho người tham gia BHYT ở các huyện, tỉnh khác.
Do đó, nếu mất, hỏng thẻ BHYT giấy mà người tham gia không sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VssID thì có thể đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục đổi lại thẻ BHYT (không thay đổi thông tin). Thời hạn giải quyết ngay trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHYT được thực hiện linh hoạt với nhiều phương thức như trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Qua dịch vụ bưu chính công ích (tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí); Qua giao dịch điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Hiện BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (bao gồm 25 thủ tục hành chính). Tính đến hết tháng 5/2022, BHXH Việt Nam đã kết nối, đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ của các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam trong đó có 5 thủ tục liên quan đến đăng ký, điều chỉnh đóng BHYT, cấp đổi thẻ BHYT.
Hệ thống thông tin giám định BHYT được BHXH Việt Nam đưa vào vận hành chính thức kể từ năm 2017, đến nay đã mang lại nhiều hiệu quả đối với người tham gia BHYT, cơ sở y tế, cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý. Trong đó, đối với người tham gia BHYT giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám chữa bệnh, các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh của cơ sở y tế.
Các trường hợp gia hạn thẻ, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật ngay giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh ngay khi đang điều trị tại bệnh viện; Người bệnh tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT đồng thời tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT cho người tham gia. Từ đó khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm