Thị trường hàng hóa
Tại tọa đàm “Xu hướng đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số cho ngành Truyền thông Quảng cáo Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) tổ chức ngày 23/2, bà Nguyễn Lan Phương - Giám đốc dự án Công ty Công nghệ I&E Việt Nam cho rằng, có 3 khó khăn chính ảnh hưởng đến quyết định CĐS của DN.
Thứ nhất, là công nghệ - vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Việc các DN Việt Nam đang làm chủ được công nghệ của mình khi cung cấp cho đối tác là điều chưa phổ biến. DN Việt Nam vẫn phụ thuộc tương đối nhiều vào các giải pháp công nghệ quốc tế.
Điều này liên quan đến vấn đề tài chính và cũng là khó khăn thứ hai. Các công ty cung cấp giải pháp quốc tế không thể tùy biến và theo nhu cầu của DN Việt Nam một cách sát sao nhất. Nếu thực hiện tùy biến sâu thì giá trị có thể lên tới hàng triệu USD. Thực tế, 98% DN Việt Nam vẫn là DN nhỏ và vừa không thể có tới triệu USD để làm công tác CĐS.
"Nếu áp dụng giải pháp CĐS 30 - 50 triệu đồng, hoặc thậm chí 200 triệu đòng thì DN có thể cáng đáng được nhưng giải pháp lên tới 5 - 10 tỷ đồng thì chắc chắn đây là mức kinh phí quá lớn đối với một DN nhỏ và vừa. Thậm chí DN có doanh số lên tới 500 tỷ - 1000 tỷ đồng thì việc dành 5 - 10 tỷ đồng để CĐS vẫn là câu chuyện cần đưa lên bàn cân rất nhiều", bà Nguyễn Lan Phương nêu.
Yếu tố thứ 3, theo nữ giám đốc này, cũng rất quan trọng và gây khó khăn cho quá trình tư vấn cho các DN, tổ chức, trường đại học đó là nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo DN. Nếu như tổ chức nào mà cấp lãnh đạo thực sự và muốn làm thì chắc chắn tổ chức đó sẽ làm được bằng mọi cách. Quan trọng nhất là lãnh đạo DN có thực sự muốn làm hay không. Từ lãnh đạo mới truyền được nhiệt huyết, quyết tâm xuống toàn bộ các cấp lãnh đạo cấp trung và toàn bộ nhân sự thực thi.
Được đánh giá là đơn vị "chịu chi" về CĐS, bàn về khó khăn trong hoạt động này, bà Trần Thị Thanh Vân - Phó Tổng Giám đốc phụ trách CĐS và Marketing của Goldsun Media Group nhắc đến công nghệ hologram trong quảng cáo.
Với Goldsun Media, ban lãnh đạo rất quan tâm, thường xuyên cập nhật công nghệ mới trên thế giới. Hàng năm, trừ 2 năm COVID-19, năm nào Goldsun Media cũng cử đoàn công tác sang các nước tham dự triển lãm về quảng cáo. Tuy nhiên, tại Việt Nam có thể do giao thông công cộng không phát triển, mà hologram đặt ở những nơi đông đúc, đông người qua lại, có thời gian dừng chờ đèn nên giai đoạn này khó để áp dụng.
Ngoài ra, khó khăn khác là bản thân các nhãn hàng có thiết kế để chạy được trên hologram cần phải đầu tư rất nhiều. Ở Việt Nam, hiện công ty thiết kế 3D rất hạn chế, trong khi đó chi phí để làm 3D thì không phải đơn vị nào cũng chịu bỏ ra khoản tiền lớn.
"CĐS mang lại hiệu quả về mặt tinh gọn, quy trình và rất nhiều các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. CĐS không còn là lựa chọn nữa mà là điều bắt buộc. Nếu DN quảng cáo không CĐS sẽ tụt hậu và không thể cạnh tranh với các công ty khác trên thị trường", bà Vân đánh giá.
Giới chuyên gia nói rằng ngân sách quảng cáo năm 2023 đi xuống, thị phần của các nền tảng lớn như Tiktok, Google tăng lên, miếng bánh thị phần bé đi, tổng cầu giảm xuống. Trong bối cảnh này CĐS là bắt buộc, chỉ có CĐS mới mang lại con đường tươi sáng cho DN quảng cáo. Câu hỏi đặt ra là với các DN nhỏ và vừa hoạt động trong ngành quảng cáo phải bắt đầu từ đâu trong tiến trình CĐS, để không bị vướng vào vòng luẩn quẩn: doanh thu giảm, đầu tư cho CĐS giảm, từ đó chất lượng giảm...?
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch VAA, muốn phá vỡ rào cản này, DN cần chọn đúng con đường đi. Các DN quảng cáo hiện nay mắc "bệnh" làm theo phong trào, tùy hứng và tự phát. Nếu làm theo phong trào, nhiều người đã làm rồi, với cùng công nghệ, mình đi sau cần phải sáng tạo hơn người đi trước. Cần phải làm cái khác biệt với DN khác.
Bà Phạm Thị Hằng - Founder & CEO 5S Medi thì khuyên các DN quảng cáo nhỏ và vừa làm từng bước một khi tiến hành CĐS. Bản chất của CĐS là ứng dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, biện pháp mới trên nền tảng kỹ thuật số để thay đổi cách truyền thống mà chúng ta làm việc.
DN có rất nhiều bộ phận, là DN nhỏ và vừa thì không thể mưu cầu thay đổi ngay lập tức tất cả các khâu, các tác vụ trong công ty. Bởi vì điều này sẽ gây áp lực rất lớn về chi phí cũng như áp lực lớn về nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự. Đội ngũ không thể 1 sớm 1 chiều xoay chuyển để CĐS toàn diện được. Họ cần có thời gian để trưởng thành về nhận thức, kỹ năng để thích nghi với cái mới.
Các DN nhỏ và vừa nên tập trung chuyển đổi số trong 1 vài lĩnh vực mà công ty đánh giá là khả dĩ có thể mang lại kết quả rõ rệt nhất, cao nhất cho hoạt động phát triển kinh doanh của mình. Khi CĐS của mảng này thành công mới tiến hành CĐS sang các mảng khác.
Chia sẻ kinh nghiệm CĐS từ chính DN, bà Trần Thị Thanh Vân - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số và Marketing của Goldsun Media Group cho biết, là DN tương đối lớn. Goldsun Media đã phải dành rất nhiều nguồn lực cho hoạt động CĐS. Tùy nguồn lực của DN mà tiến hành CĐS theo mô hình nào. Bản thân Goldsun Media phải lựa chọn những tác vụ lặp đi lặp lại để đầu tư CĐS, chứ không tiến hành CĐS dàn trải bởi sẽ tốn chi phí lớn mà hiệu quả mang lại không cao.
Hoạt động CĐS thường hướng đến 2 phần mềm, 1 loại phần mềm thiết kế theo đúng quy trình của công ty đang vận hành. Nhưng chi phí cho việc này rất lớn. Chính vì thế các DN quảng cáo nhỏ và vừa nên tập trung vào phần mềm thứ hai là "mì ăn liền" - phần mềm thiết kế sẵn có thể học được chu kỳ mà những công ty khác đã sử dụng rồi để tiết kiệm chi phí.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm