Thị trường hàng hóa
Nhiều lợi ích từ ứng dụng công nghệ
Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.
"Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến vai trò của thương mại điện tử. Đây là một ngành có tác động tương hỗ với ngành dịch vụ logistics, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải cho biết tại hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững’’ ngày 16/5 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Hải, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á. Do vậy, dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết.
Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200 của Thủ tướng Chính phủ là “nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nghiên cứu cho thấy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để bảo đảm có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế về mặt công nghệ và bảo mật thông tin hay bảo mật thanh toán. Giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hổi, xử lý hàng cũng chưa được tổ chức, xây dựng và kiểm soát tốt.
Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam là cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel cho biết, mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển, nhưng các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel.
Trong đó, chính sách và văn bản pháp luật trong ngành logistics chưa được thực hiện một cách chi tiết và đồng nhất, gây ra sự mơ hồ và đôi khi xung đột trong thực thi.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ, không tạo ra hệ thống vận chuyển đa phương thức cần thiết, dẫn đến hạn chế trong trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức vận tải.
Các doanh nghiệp logistics vẫn gặp khó khăn về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, gây ra sự khó khăn trong việc cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hiệu quả.
Đa số lao động trong các doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ lệ từ 93 – 95% những thiếu chuyên môn, không được đào tạo bài bản nên chủ yếu tham gia ở mức độ các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, quản lý kho và xử lý vận đơn...
Áp dụng công nghệ để đột phá
Theo ông Sơn, việc doanh nghiệp áp dụng tự động hoá logistics mang lại cơ hội nâng cao hiệu suất trong quá trình vận chuyển và quản lý hàng hoá. Tiết kiệm nguồn lực tài chính bởi lọai bỏ công việc thủ công. Dựa vào hệ thống tự động hoá không chỉ giảm thiểu sai sót mà còn giảm thiểu chi phí bảo trì và nâng cao tính hiệu quả, đáng tin cậy của quy trình.
Ngoài ra, ông Sơn khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng robot và tự động hoá để mang lại sự linh hoạt cao hơn trong ngành logistics. Robot có thể được lập trình để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, hoạt động suốt ngày đêm, cho phép thời gian làm việc nhanh hơn, mang lại sự linh hoạt cao hơn trong hoạt động ngành logistics.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam đánh giá, thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần được thực hiện trong toàn chuỗi giá trị từ thượng nguồn – vận hành, sản xuất, logistics đến hạ nguồn chuỗi cung ứng.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam.
Chuỗi cung ứng hiện đại và thông minh không chỉ là chuyển đổi số. Cần xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng, phát triển năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển đổi, vận hành và duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng.
Mục tiêu giảm phát thải cần được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt trong việc tối ưu hóa các nguồn lực.
"Cần có khung chính sách nhất quán, dài hạn, cùng với sự hợp tác của nhiều bên liên quan. Cần sớm có các cơ chế và hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh và phát triển các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng xanh tại Việt Nam", Quản lý Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam kiến nghị.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm