Thị trường hàng hóa
Phát biểu tại hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới: Cơ hội và thách thức” ngày 17/10, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính hết tháng 7/2024, tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động ước tính khoảng trên 51.000. Tăng gần 6.000 doanh nghiệp so với tháng 8/2023.
Hiện đã có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 là 7,5 tỷ USD và dự kiến năm nay xấp xỉ 10 tỷ USD.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ và thông tin, ông Tuyên nhận định, FDI giai đoạn 2020 - 2023 tăng trưởng 15,4%. Tuy nhiên, tỉ trọng của ngành này còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số”, ông Tuyên cho biết.
Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới: Cơ hội và thách thức”.
Ông Vũ Văn Chung - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam hiện có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài (81 quốc gia, vùng lãnh thổ) với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD. Bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, riêng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có 223 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,84 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
“Những năm qua, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số”, ông Chung nói.
Năm 2022, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Năm 2023, sản phẩm chip của FPT đang bước đầu hiện diện ở thị trường Mỹ, Nhật.
Đồng thời, FPT cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng. Năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Viettel cũng là doanh nghiệp Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào…
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain)…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm