Thị trường hàng hóa
Lợi thế của thương mại điện tử xuyên biên giới
Tại diễn đàn Thương mại điện tử Xuyên biên giới 2024 (VOIEF) diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030 là phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Để phát triển xuất khẩu cần phải chú trọng đầu tư vào xây dựng thương hiệu, khâu thiết kế, phân phối bán hàng. Mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số. Trong đó, thương mại điện tử TMĐT sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới khi nói về xuất nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cơ hội phát triển thương mại điện tử là rất lớn, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG).
Với tốc độ tăng trưởng TMĐT 16-30% mỗi năm, cùng với việc người tiêu dùng càng ngày càng chú trọng mua sắm qua TMĐT là một trong những thuận lợi mang lại. Mong muốn của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử trong nước mà còn liên quan đến các mặt hàng ở nước ngoài.
Đánh giá về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TMĐTXBG, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng của TMĐTXBG gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng TMĐT thông thường. Dự báo, từ năm 2020 cho đến năm 2027, tốc độ tăng trưởng của TMĐTXBG hàng năm sẽ đạt khoảng 28,4%.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại diễn đàn.
Theo dự báo, Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là Việt Nam, tăng trưởng về TMĐTXBG trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2021-2026 lên đến 20%. Mức tăng trưởng này còn cao hơn so với mức độ tăng trưởng trung bình đối với cả những nhà bán hàng trên TMĐTXBG.
"Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh Việt Nam đang ở một vị thế đặc biệt, rất thuận lợi cho việc tham gia "cuộc chơi" này. Nếu DN chưa tham gia, tôi nghĩ nên tham gia ngay", ông Toàn gợi ý.
Cũng theo ông Toàn, trong 12 tháng tính đến tháng 8/2023, có đến hơn 17.000 sản phẩm từ Việt Nam đã được bán ra trên sàn TMĐT Amazon. Doanh thu của nhà bán hàng trong năm 2023 tăng trưởng trên 50%. Điều này cho thấy sự tham gia rất sôi động và hiệu quả của những nhà bán hàng từ Việt Nam trên sàn TMĐT Amazon.
Theo kịch bản về phát triển TMĐTXBG của Việt Nam, tính đến năm 2027, với sự tham gia nhiệt tình và đóng góp đặc biệt là từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp TMĐTXBG tăng gấp 2,4 lần và dự kiến là sẽ đạt 12 tỷ USD vào năm 2027.
"Với con số này, chỉ cần 2 năm nữa, tức đến năm 2026, TMĐTXBG tại Việt Nam sẽ đạt giá trị lên đến 10 tỷ USD. Theo đó sẽ đặt TMĐTXBG Việt Nam trở thành một ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu này chắc chắn sẽ đóng góp vào thặng dư thương mại và xuất siêu của Việt Nam trong thời gian tới", ông Toàn nhấn mạnh.
Về lợi thế và điểm khác biệt của TMĐTXBG so với thương mại truyền thống, theo ông Toàn, những nhà sản xuất, chủ thương hiệu tại Việt Nam hay là thậm chí là người làm thương mại tại Việt Nam có thể đem hàng hóa "made in Vietnam" tới tay người tiêu dùng nước dùng một cách trực tiếp.
TMĐTXBG Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam.
Từ đó, doanh nghiệp có được nhiều lợi ích như kiểm soát được hàng hoá, nhận được phản hồi nhanh chóng từ khách hàng; quản trị được dòng tiền tốt hơn để tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất và và thương mại; có thể xây dựng được thương hiệu toàn cầu - tài sản cuối cùng rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Quý Hiến - CEO Ecomstone Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên nền tảng TMĐTXBG, đánh giá, với rất nhiều doanh nghiệp Việt, TMĐTXBG vẫn là 1 khái niệm khá là mới mẻ. Hình thức xuất khẩu của Việt Nam chưa được cập nhập đủ nhanh mà vẫn khá thiên về truyền thống. Do đó, khi doanh nghiệp Việt chuyển từ mô hình xuất khẩu truyền thống sang những mô hình tiên tiến hơn sẽ gặp rất nhiều cái rào cản.
"Chẳng hạn vấn đề về thiết kế mẫu mã hoặc rào cản tiêu chuẩn, kỹ thuật, mặt bằng chung nhân sự chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp có thể “chiến đấu” ngang bằng với đối thủ ở xứ người. Cùng với đó là các chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh để bắt kịp với sự dịch chuyển của thị trường", ông Hiến nêu.
Khai thác cơ hội, tiềm năng của xuất khẩu trực tuyến
Từ những thành công của các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT Amazon cũng như những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ông Toàn cho rằng, có 3 lưu ý quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần tập trung lắng nghe nhu cầu của thị trường. Điểm quan trọng khi xuất khẩu trực tuyến là phải bán thứ thị trường cần chứ không phải bán thứ doanh nghiệp có.
Thứ hai, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời đạt được các tiêu chuẩn về mặt chất lượng của thị trường mục tiêu mà DN nhắm đến.
Thứ ba, tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ khi bắt tay vào xuất khẩu trực tuyến cho dù thương hiệu này đã có mặt tại thị trường Việt Nam hay chưa. Việc xây dựng thương hiệu ngay từ đầu giúp DN có thể tiến đến xây dựng một nền tảng kinh doanh lâu dài, bền vững.
"Trong vòng 2 - 3 năm tới, nếu doanh nghiệp không tham gia TMĐTXBG thì có lẽ sẽ bị lạc hậu và chậm chân trong sân chơi có sự phát triển rất mạnh này", ông Toàn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM đã thành lập Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA). Liên minh này bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, sự tập hợp các bên trong 1 liên minh có ý nghĩa rất lớn khi các doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế của nhau và thúc đẩy sự liên kết đa nền tảng.
Việt Nam có nhiều hàng hóa sản phẩm tốt, tuy nhiên điểm yếu là các sản phẩm chưa được phát triển mạnh để bán ra thị trường quốc tế.
Với VESA, các bên sẽ có 1 nơi để giao lưu giữa cơ quan Quản lý Nhà nước, các viện, trường… nhằm tham gia thảo luận, đào tạo về chính sách pháp luật, định hướng của Nhà nước, qua đó có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được định hướng, xác định cách phát triển, chiến lược lâu dài khi tham gia thị trường TMĐTXBG.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm