Thị trường hàng hóa
Doanh nghiệp phải biết ứng dụng công nghệ để tạo ra đặc trưng cho mình
Diễn đàn thu hút hàng trăm diễn giả trong nước và quốc tế. Đây là diễn đàn bàn sâu về vấn đề kinh doanh thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới; tìm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng nội lực để đạt được đột phá trong kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt FTA thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có tác động ngày càng sâu rộng.
“Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp (DN) tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ.
Chính sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho DN, tạo áp lực lớn buộc DN phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.
“Trong bối cảnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao việc tăng cường đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ, đặc biệt là CNTT trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, yếu tố tiên quyết quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các nền kinh tế”, ông Đạt nói.
Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, cho hay, chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn công nghệ, với hàng loạt công nghệ mới đưa ra hàng tuần, thậm chí hàng ngày.
“Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy có quá nhiều công nghệ đưa ra thị trường, khách hàng của tôi sẽ ứng phó ra sao? Và bản thân doanh nghiệp chúng ta sẽ phải ứng phó ra sao? Chúng ta muốn tiếp tục duy trì kinh doanh, muốn tiếp tục bám đuổi thị trường trong 10- 20 năm nữa, thì chúng ta phải làm sao – đó là câu hỏi mà hầu hết doanh nghiệp phải trả lời” – ông Shashi J đặt vấn đề.
Lấy ví dụ trong thị trường bán lẻ và tiêu dùng, trong và sau thời Covid-19 mô hình D2C (trực tiếp tới người tiêu dùng) là xu hướng chủ đạo, nhưng đến nay nó đã bị thay thế bởi Q-commerce, xu hướng Social Commerce (TiktokShop, Facebook…) hay Dark Store, ROPO… mà các hãng lớn như: Samsung, Apple… đều đi theo hướng này.
Nắm bắt công nghệ nhưng phải phù hợp với doanh nghiệp
Nhưng câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp Việt có nên bắt chước, đi theo những xu hướng này không? – Câu trả lời là “Hãy cẩn trọng” - ông Shashi J nói.
“Tôi thấy một công nghệ mới, tôi tiêu tiền vào công nghệ mới, đến khi tôi làm chủ được thì nhiều khi đến lúc ra thị trường thì nó đã trở thành lạc hậu, dư thừa thì sao?”, ông Shashi J đặt vấn đề và cho rằng các doanh nghiệp cần phải biết đặt ra những câu hỏi như vậy.
Bởi, nếu chỉ “mải mê theo đuổi xu hướng” mà không cẩn trọng, các doanh nghiệp có thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến hiệu quả đầu tư (ROI) không như kỳ vọng và đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
“Việc lựa chọn chính xác những giải pháp công nghệ phù hợp rất quan trọng và sẽ là chìa khóa quyết định thành công trong tương lai cho các DN”, ông Shashi J nói.
Trên cơ sở nghiên cứu của mình, ông Shashi J chia sẻ 5 yếu tố nền tảng mà các doanh nghiệp Việt cần xác định rõ ràng trước khi quyết định việc đầu tư vào công nghệ.
Thứ nhất, tăng doanh thu/thị phần. Tức là xem xét liệu công nghệ có hỗ trợ DN nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và khuyến khích văn hóa đổi mới không.
Thứ hai, giảm thiểu chi phí/lãng phí. Nghĩa là cân nhắc liệu công nghệ có thể đơn giản hóa quy trình vận hành, giảm chi phí bằng cách tự động hóa các tác vụ và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.
Thứ ba, cải thiện an toàn thông tin. Nghĩa là xem xét năng lực của công nghệ trong việc cải thiện an toàn thông tin và bảo vệ thông tin mật và quyền sở hữu trí tuệ, và cân nhắc các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.
Thứ tư, đổi mới linh hoạt. Tức là, xem xét liệu công nghệ có hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và khuyến khích văn hóa đổi mới không.
Thứ năm, phát triển bền vững. Nghĩa là xây dựng tương lai bền vững thông qua việc hợp nhất công nghệ với những chiến lược trọng tâm, nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp ( ESG).
“Ngày nay, sự đổi mới phải luôn đi kèm với cam kết về sự bền vững, đó là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý, bởi các doanh nghiệp Việt vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về ESG, nhưng lại sở hữu một tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với các nền kinh tế đang phát triển khác”, ông Shashi J khuyến nghị.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm