Thị trường hàng hóa
Leonardo Del Vecchio sinh ra trong một gia đình nghèo ở Milan (Italia) vào năm 1935. Vì không có tiền để nuôi con, khi vừa sinh được vài tháng tuổi, cậu được mẹ gửi vào trại trẻ mồ côi, sống nhờ vào sự chăm sóc của các tu sĩ.
Del Vecchio bắt đầu bươn chải kiếm tiền từ năm 14 tuổi. Công việc đầu tiên của cậu là lắp ráp các bộ phận máy ở một xưởng sản xuất công cụ. Tại đây, Del Vecchio may mắn được người chủ cho tham gia các lớp học ban đêm tại Học viện Mỹ thuật Brera, chủ yếu về thiết kế.
21 tuổi, Del Vecchio lập gia đình, tiếp tục cuộc sống vất vả tưởng như không nhìn thấy mặt trời của mình. Cậu thanh niên Del Vecchio phải làm việc đến 20 tiếng một ngày để kiếm đủ tiền nuôi vợ và hai con thơ. Ban ngày đi làm lĩnh lương, ban đêm ông làm thêm bất cứ việc gì để có thêm thu nhập cho gia đình.
Với lòng đam mê kính mắt, cậu bé trẻ tuổi đã hình dung ra triển vọng, viễn cảnh mở rộng và quảng bá kính mắt như nhiều phụ kiện thời trang khác. Sau đó, cậu thanh niên quyết định chuyển đến ngôi làng nhỏ có tên Agordo thuộc Venice, nơi được coi là quê hương của ngành công nghiệp kính mắt nước Ý để mở xưởng sản xuất riêng ở tuổi 23.
Với số vốn nho nhỏ sau những năm lao động cực nhọc, Del Vecchio bắt đầu mở xưởng sản xuất kính tại nhà. Lần đầu tiên lao vào công việc mới mẻ này, cả gia đình cùng nhau phụ giúp ông.
Leonardo kể: “Trong những năm 60-70, khi làm những đôi mắt kính, tôi đã khắc bằng tay những hoa văn bằng nhôm mà người ta quen thấy trên những gọng kính thời bấy giờ!”. Vợ ông tô màu từng gọng kính một, con ông dán những băng dính lên các phần gọng mà khách hàng muốn giữ lại màu sắc tự nhiên. Cứ như thế Luxottica cho ra đời những sản phẩm của chính mình.
Từ xưởng sản xuất gia đình, ông thuê thêm 14 thợ và kêu gọi hỗ trợ tài chính từ những tổ chức xúc tiến kinh tế trong nước. Và thương hiệu Luxottica cùng dây chuyền sản xuất kính công nghiệp được manh nha từ đó. Bước đầu tiên chinh phục thị trường, Leo cho sản xuất hàng loạt kính râm gọng to, che khuất nửa gương mặt. Ngay cả khi chiều buông, tại các bãi biển người ta cũng đeo kính để tham gia vũ hội. Kính dường như đã là “một phần không thể thiếu của cuộc sống”.
Trước đây, phần lớn các cơ sở đều sản xuất theo công đoạn: Một xưởng chuyên sản xuất gọng kính, một xưởng chuyên sản xuất càng kính, xưởng thứ ba là mắt kính và cuối cùng là xưởng lắp kính. Có nhà sản xuất chuyên về gọng kính nhựa, người khác lại gọng kính sắt. Như vậy để chiếc kính ra đến thị trường là rất khó khăn và rất chậm, chứ chưa nói đến bộ sưu tập các kiểu kính.
Del Vecchio nhận ra điểm yếu này và quyết định thành lập nhà máy riêng của mình. Đó không phải là kính nữa mà là nghệ thuật, phù hợp với từng bộ váy áo, comple, thậm chí đến cả giày dép, túi xách... Sau khi chuẩn bị cả một thời gian dài, vào năm 1961 tại thành phố Agordo, Leonardo Del Vecchio khai trương hãng Luxottica. Nói cách khác, nhà doanh nhân trẻ đã sẵn sàng cho việc chinh phục các đỉnh cao trong sản xuất kính.
Thời gian sau đó, Luxottica tiếp tục phát triển không ngừng. Ban đầu, công ty không bán hàng trực tiếp mà hợp tác với các nhà phân phối độc lập để đưa sản phẩm đến khách hàng. Nhưng sau đó, nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc quản lý bán hàng, Leonardo đã bắt đầu thực hiện chiến lược mới.
Năm 1974, Luxottica mua lại Scarrone S.p.A, một nhà phân phối bán buôn tại thị trường Ý. Năm 1981, công ty tiến ra thị trường quốc tế. Luxottica đã mở một công ty con ở Đức, quốc gia có truyền thống lâu đời trong sản xuất kính mắt, đồng thời ra mắt tại Hoa Kỳ bằng việc mua lại Avant-Garde Optics Inc., một trong những nhà phân phối nổi tiếng nhất thời kỳ đó để hiểu hơn và tạo ra mối quan hệ tin cậy, thân thiết với khách hàng.
Vậy là chỉ trong 10 năm, Del Vecchio đã xây dựng nên mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc hoàn chỉnh, đi từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng.
Công cuộc mở rộng đế chế kính mắt của Del Vecchio vẫn chưa kết thúc. Ông "nuôi lớn" Luxottica bằng việc mua lại, thâu tóm các thương hiệu đình đám bậc nhất và cả những chuỗi bán lẻ toàn cầu.
Năm 1990 Luxottica mua lại thương hiệu kính Vogue. Sau đó các thương hiệu mang tính biểu tượng như Ray-Ban của Hoa Kỳ hay Oakley, Oliver Peoples, Persol, Alain Mikli, Arnette và REVO cũng lần lượt rơi vào tay Leonardo.
Luxottica đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 55 của mình vào năm 1991 bằng sự kiện trở thành thương hiệu kính số 1 thế giới xét về doanh số bán hàng, các kênh phân phối và kiểu dáng được ưa chuộng nhất. Năm 1999, ông mua Ray-Ban với giá 640 triệu USD.
Chưa hết, Luxottica cũng đạt được thỏa thuận phát triển độc quyền, sản xuất và phân phối trên toàn thế giới các gọng, kính râm được thiết kế bởi Chanel, Burberry, Chanel, Coach, Dolce & Gabbana, Paul Smith, Prada, Stella McCartney, Tiffany, Versace,...
Bên cạnh đó, việc mua lại những chuỗi bán lẻ tại các quốc gia lớn khác như OPSM (Úc), Pearle Vision,Target Optical và Sears Optical (Bắc Mỹ) hay đặc biệt là LensCrafters, chuỗi chuyên bán kính râm Sunglass Hut đã giúp sản phẩm của Luxottica phủ sóng toàn cầu.
Theo thông tin từ Bloomberg, Leonardo Del Vecchio – ông chủ hãng Ray-Ban vừa qua đời ở tuổi 87.
Tính đến ngày 1/6, doanh nhân này sở hữu khối tài sản trị giá 25,7 tỷ USD và là người giàu thứ hai Italia, chỉ sau gia tộc sản xuất chocolate Ferrero.
Không bằng cấp, không có điểm tựa gia đình, khởi đầu với 10 nhân công (tính cả người sáng lập) tại một ngôi làng nhỏ, Luxottica giờ đây được cả thế giới biết đến là một tập đoàn quy mô toàn cầu với 82.000 nhân viên và 7.000 điểm bán hàng.
Del Vecchio từng chia sẻ rằng trong những ngày đầu lập nghiệp, ông "đặt công việc lên trên mọi thứ", dành rất ít thời gian cho các con của mình. "Nhà máy trở thành gia đình thực sự của tôi", ông nói. Trong những năm gần đây, tỷ phú này tìm cách bù đắp một phần thời gian đã mất cho đại gia đình của mình ở Milan hoặc tại nhà trên đảo Cote d'Azur của Pháp và Antigua.
Ngoài cổ phần kiểm soát tại EssilorLuxottica, Del Vecchio cũng là cổ đông lớn nhất của ngân hàng đầu tư Mediobanca và một trong những nhà đầu tư chính tại Generali, công ty bảo hiểm hàng đầu Italia.
Dù là một trong những tỷ phú giàu nhất đất nước, ông chủ Ray-Ban được biết đến là người khá kín tiếng và hạn chế tiếp xúc với truyền thông. Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào đầu năm nay, một phóng viên đã hỏi Del Vecchio về cách ông xây dựng đế chế của mình.
Và câu trả lời của vị tỷ phú là: "Tôi luôn cố gắng trở thành người giỏi nhất trong mọi việc, chỉ có vậy thôi. Tôi không bao giờ thấy thỏa mãn". Cũng theo Del Vecchio, "Bạn cần phải đủ dũng cảm để tiếp tục làm mọi việc, để tiến lên phía trước".
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm