Thị trường hàng hóa
Năm 2023, theo các chuyên gia, thiên tai Việt Nam được dự báo có diễn biến bất thường, trái quy luật hơn những năm trước. Do đó, ứng dụng KHCN và CĐS trong hoạt động phòng chống thiên tai được giới chuyên gia đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra.
Vài năm trở lại đây, nhiều tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào hoạt động để CĐS công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm,...); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét; xây dựng bản đồ số hóa hệ thống công trình đê điều, hồ đập, bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ;...
Với sự hỗ trợ đắc lực của KHCN, việc CĐS, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các ban ngành, đơn vị địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Song song với những đầu tư về mặt công nghệ hỗ trợ phía chính quyền,... việc có thêm những kênh tuyên truyền nhanh chóng cũng đồng thời hỗ trợ phía người dân trong phòng chống thiên tai. Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền thường xuyên, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần nâng cao ý thức chủ động của người dân về việc tiếp nhận thông tin về tình hình thời tiết và rủi ro thiên tai.
Đặc biệt, trong bối cảnh thời đại số, công tác ứng dụng các nền tảng công nghệ nhằm nâng cao kỹ năng chủ động phòng chống thiên tai cũng được nhiều cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Từ năm 2020, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai đã ứng dụng nền tảng Zalo để thông tin đến người dân trên cả nước về tình hình thời tiết và diễn biến thiên tai. Sau gần 3 năm hoạt động, trang Zalo OA “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai”có hơn 311.000 người theo dõi, mỗi năm gửi hơn 120 triệu tin nhắn đến các vùng bị thiên tai trên khắp cả nước.
Nối tiếp hiệu quả đó, mới đây, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phát hành mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên nền tảng Zalo. Đây được xem là sản phẩm ứng dụng thiết thực, giúp người dân trên cả nước nâng cao năng lực chủ động ứng phó với thiên tai.
Trong tình huống khẩn cấp, bị cô lập và cần hỗ trợ, hoặc cần phản ánh diễn biến bất thường của tình hình thiên tai, người dân chỉ cần truy cập vào mini app trên Zalo để kết nối nhanh chóng với chính quyền địa phương và được ứng cứu, hỗ trợ nhanh chóng.
Các tính năng “Kết nối cứu trợ”,“Phản ánh thiên tai” cho phép người dùng đính kèm vị trí chính xác và hình ảnh thực tế. Đây là những tiện ích nhằm cụ thể hóa thông tin cứu trợ, và là cơ sở để chính quyền địa phương phân bổ lực lượng, vật tư cứu trợ hiệu quả, nhanh chóng nhất.
Bên cạnh đó, mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” cũng góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó thiên tai cho người dân thông qua tính năng “Tìm hiểu thiên tai”. Với hướng dẫn chi tiết, hình ảnh sinh động, dễ ghi nhớ, người dùng mini app sẽ được cập nhật kiến thức về dấu hiệu nhận biết các loại hình thiên tai, kỹ năng cần thiết để ứng phó trước, trong và sau mỗi loại hình thiên tai như bão, giông lốc, lũ, sạt lở, hạn hán,...
Ứng dụng nhỏ này cũng là kênh cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất đến người dùng về tình hình thời tiết, thiên tai ở các địa phương trên cả nước thông qua tính năng “Thông tin thiên tai”. Dù mới chính thức ra mắt vào tháng 7/2023, nhưng cho đến nay, mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” trên nền tảng Zalo đã có trên 252.000 lượt truy cập và sử dụng.
Các hoạt động tăng cường ứng dụng KHCN và nền tảng công nghệ đang là hướng đi dần mang lại hiệu quả cho cả 2 phía cơ quan chức năng và người dân. Một mặt, CĐS và KHCN giúp cơ quan chức năng tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, sự xuất hiện của những tiện ích mới trong công tác tuyên truyền, liên lạc đồng thời giúp người dân được “chuyển mình” trong cuộc chiến với thiên tai, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm