Thị trường hàng hóa
Tại Hội thảo “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính”, Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, Chiến lược tài chính đến năm 2030 đưa ra mục tiêu tổng quát “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”.
Trong đó, có 3 đột phá chủ yếu, chiến lược, đó là: Đẩy mạnh nâng cao thể chế tài chính; đổi mới cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số. Khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế.
Trong lĩnh vực thể chế, Bộ Tài chính là bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngành bộ ban hành văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiển chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, ngày 9/3/2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Ngày 28/12/2018, “Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 về ban hành kiến trúc chính phủ điện tử Bộ Tài chính”. Ngày 21/5/2019, “Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến năm 2025. Ngày 27/11/2020, “Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |
Cho tới nay, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả khả quan trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền tài chính điện tử, tiến lên nền tài chính số. Từ năm 2015 tới nay ngành tài chính cũng luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chính phủ trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Bộ Tài chính không ngừng hoàn thiện các thể chế trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, ban hành các văn bản cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số trong ngành tài chính.
Các lĩnh vực tài chính như Kho bạc, Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nâng cao hiệu quả, tạo thuận tiện, rút ngắn thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số lĩnh vực tài chính cũng có nhiều khó khăn và thách thức như nhiều lĩnh vực khác hiện nay. Theo phân tích của bà Nguyễn Như Quỳnh, môi trường thể chế và pháp lý cho chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Nguyên nhân của tình trạng này là do công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng tạo ra những vấn đề mới vượt ra ngoài phạm vi của các quy định, thể chế hiện hành.
Cùng với đó là thách thức từ nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số yếu và thiếu. Nguyên nhân do tình trạng khan hiếm nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin tăng cao dẫn tới khan hiếm nhân lực; bên cạnh đó cơ chế và mức độ đãi ngộ cán bộ công nghệ thông tin còn thấp so với các doanh nghiệp nghệ thông tin làm việc trong các cơ sở nhà nước.
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn chưa hoàn toàn bao phủ hết tất cả các quy trình trong lĩnh vực tài chính. Nguyên nhân của điều này là do việc chuyển đổi số, tài chính số còn tương đối mới, các quy trình nghiệp vụ được xây dựng từ trước chưa thực sự tương thích với công nghệ số đòi hỏi phải có sự đổi mới để tương thích với công nghệ số.
Ngoài ra, tính liên kết giữa các hệ thống số của ngành tài chính còn yếu, dữ liệu giữa các lĩnh vực tài chính chưa thực sự liên thông.
Định hướng và giải pháp trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển tài chính số, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính.
Cùng với đó là phát triển các nền tảng, hệ thống, xây dựng các nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm có (nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử).
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng như cầu chuyển đổi số của ngành tài chính. Tăng cường tuyên truyền phổ biến quán triệt chủ trương Chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức, hiểu đúng, hiểu đủ về ý nghĩa và sự cần thiết phải chuyển đổi số, và các nhận thức về kinh tế số đối với người dân, doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan nhà nước; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân đặc biệt trong lĩnh vực tài chính điện tử.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm