Thị trường hàng hóa
(Bài viết của ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn CĐS, Viễn thông-CNTT)
Từ những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đến cách chúng ta làm việc, tiếp cận thông tin, giao tiếp hay cách quan sát thế giới... Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, quá trình CĐS vẫn đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn lao trong mọi ngành nghề.
Trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng hay 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đây cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS trong tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về CĐS diễn ra ngày 8/8/2022, nhấn mạnh tinh thần CĐS: "CĐS là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là, phải đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".
Do đó, để CĐS thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ, trước hết cần chuyển đổi nhận thức của toàn thể những người tham gia từ lãnh đạo cao nhất đến các cấp thừa hành và nhân dân trước khi hành động để tránh sai lầm.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Quyết định đã xác định quan điểm: "Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS; người dân là trung tâm của CĐS; thể chế và công nghệ là động lực của CĐS; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS".
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS, CĐS giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Để thúc đẩy CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về tăng cường nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức: "Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có CĐS. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm CĐS thì cũng không có CĐS".
Câu chuyện của CNG Việt Nam là một ví dụ điển hình của CĐS và một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của những cánh chim đầu đàn - những CEO, những lãnh đạo của tổ chức trong công cuộc CĐS doanh nghiệp (DN). Là công ty chuyên sản xuất, vận chuyển, phân phối khí nén thiên nhiên (Compressed Natural Gas - CNG) phục vụ cho không chỉ phần lớn nhu cầu cá nhân gia đình mà còn cho cả ngành giao thông vận tải, CĐS hơn hết là công việc tất yếu mà ban lãnh đạo hơn ai hết phải thực hiện ngay và luôn.
Nhờ có động lực đó, cùng với sự đồng hành đến từ đội ngũ chuyên gia tư vấn của Dr.SME, CNG đã có một bước chuyển mình vô cùng lớn từ sau đại dịch và đạt được những thành tích ấn tượng. Cụ thể doanh thu quý 1 năm 2022 đạt 999 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với quý 4 năm 2021 và 55% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ khí nén đạt 274,31 triệu Sm3, đạt 113% kế hoạch (Nguồn: Báo cáo tài chính thường niên của CNG).
Những câu chuyện thực thi CĐS không còn là xu hướng nữa, nó đã trở thành việc mà các CEO phải làm ngay và làm nhanh để tồn tại và phát triển. Theo ông Nguyễn Hoàng Lê, CEO và sáng lập (founder) của Dr.SME: "Chúng tôi, Dr.SME sẽ triển khai một chương trình đào tạo "Thực thi CĐS DN" dành riêng cho CEO và các thành viên Ban CĐS vào tháng 09/2022, góp phần vào công cuộc CĐS quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động. Giờ đây, cơ hội vượt lên dẫn đầu bền vững đang nằm trong tay của những CEO có tầm nhìn, đam mê và hành động chinh phục".
Có 3 cấp độ của CĐS, bao gồm:
Digitization (số hóa) được giải thích về mặt kỹ thuật là sự thể hiện tín hiệu, hình ảnh, âm thanh và đối tượng bằng cách tạo ra một chuỗi số, được biểu thị dưới dạng giá trị rời rạc và được biểu thị bằng số nhị phân (dưới dạng số 1 và số 0). Ví dụ, digitization đã được giới thiệu trong các mạng viễn thông từ những năm 1970, nhằm cải thiện chất lượng âm thanh cuộc gọi điện thoại, thời gian đáp ứng, dung lượng mạng, hiệu quả chi phí và tính bền vững. Quá trình digitization diễn ra ở Việt Nam là giai đoạn 1990 với các tổng đài chuyển đổi từ tương tự sang viễn thông.
"Digitalization đó là cấp độ cao hơn của digitization. Nó xảy ra với các quy trình (process) trong kinh doanh hay trong các ngành nghề. Digitalization các ngành công nghiệp và tổ chức (digitalize industries and organizations) đã cho phép các quy trình sản xuất mới và phần lớn các hiện tượng ngày nay được gọi là Internet vạn vật, Internet công nghiệp, Công nghiệp 4.0.
Digitalization các DN và tổ chức đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới (như freemium), dịch vụ chính phủ điện tử mới, thanh toán điện tử, tự động hóa văn phòng và quy trình văn phòng không giấy tờ, sử dụng các công nghệ như điện thoại thông minh, ứng dụng web, dịch vụ đám mây, nhận dạng điện tử, blockchain, hợp đồng thông minh và tiền điện tử, và cả kinh doanh thông minh sử dụng dữ liệu lớn. Digitalization trong giáo dục đã tạo ra các khóa học điện tử elearning và MOOC. Đây cũng là bước ứng dụng CNTT hay tin học hóa theo cách nói trước đây.
"Tiếp theo là digital transformation. Ở đây là khái niệm CĐS, theo wiki, là "the total and overall societal effect of digitalization" (hiệu ứng toàn thể và tổng thể về mặt xã hội của quá trình digitalization). Digital transformation dẫn đến cơ hội chuyển đổi (transform) và thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại, mô hình tiêu dùng, cơ cấu kinh tế xã hội, các biện pháp pháp lý và chính sách, mô hình tổ chức, rào cản văn hóa, v.v.
Trước hết, DN cần phải xác định mình đang ở đâu trong hành trình CĐS. Hay nói cách khác, cần đánh giá mức độ trưởng thành số (digital maturity). Và chỉ sau khi DN đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số thì lúc đó nhà tư vấn mới có thể chỉ ra DN cần làm gì (chiến lược) để thực hiện công việc khó khăn, vất vả này.
Dr.SME xây dựng và hoàn thiện mô hình trưởng thành số, tham chiếu từ nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước, đo lường toàn diện mức độ sẵn sàng CĐS của DN tổng thể trên 6 khía cạnh chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gồm: (1) Khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Vận hành, (4) Công nghệ, (5) Văn hóa, (6) Dữ liệu.
Theo khảo sát của công ty Tài Cấu trúc và CĐS Dr. SME thì đa số các công ty mới chỉ ở mức 1, một số công ty đang ở mức 2, còn mức 3 thì rất ít công ty ở Việt Nam đạt được. Chính vì xuất phát điểm thấp nên có lẽ việc đầu tiên cần làm là số hóa hệ thống quản trị của DN và như thế bạn làm gì liên quan đến ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh đều mang lại hiệu quả cho DN.
Về ngành than, đơn cử trường hợp một công ty trong ngành là từ giữa quý I/2021, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai đã đưa phần mềm ghi biểu, thống kê chuyến trực tuyến trên Google Sheets vào thực hiện thay thế biểu giấy ghi chuyến theo giờ của máy xúc, nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tăng năng suất lao động. Theo nghiên cứu của chúng tôi, đa số các công ty trong ngành than và khoáng sản mới chỉ ở mức số hóa hệ thống.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược và triển khai CĐS, ông Nguyễn Quang Phương, Giám đốc công ty Phúc Lai nhấn mạnh: "Không thể có được kế hoạch CĐS nếu ngay từ bước đầu tiên không biết chính xác DN của mình đang có những thông tin nào? Giá trị của nó đến đâu? Có thể lưu trữ số hóa và khai thác các thông tin này thế nào? Cho nên, yếu tố đầu tiên là phải xử lý "đống rác" dữ liệu, biến được thành "vàng" hay không thì tùy thuộc vào tài năng của chuyên gia CĐS".
Tóm lại, thay vì hô hào CĐS một cách chung chung, các tổ chức, DN cần nâng cao nhận thức cho toàn bộ người tham gia và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Sau đó là đánh giá mức độ trưởng thành số của tổ chức và thực hiện mức độ số hóa nếu ở mức khởi đầu của tiến trình CĐS./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm