Thị trường hàng hóa
Ngày 21/9/2023, Cục Tin học và Thống kê Tài chính và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023) (VDF-2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”.
Hội thảo là sự kiện thường niên được Bộ Tài chính tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT, các nhà cung cấp giải pháp gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những xu hướng mới trong lĩnh vực CĐS ngành tài chính.
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, CĐS trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho CĐS quốc gia nói chung và thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực khác nói riêng.
Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS Bộ Tài chính năm 2023 ban hành đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm như thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính.
Kế hoạch hành động cũng nhấn mạnh đến việc hướng dẫn, bố trí kinh phí cho các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ CĐS, phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2023, hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình CĐS toàn diện điển hình cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật NSNN; triển khai nền tảng hóa đơn điện tử (HĐĐT) quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, DN dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính số cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính, mang lại lợi ích cho người sử dụng các dịch vụ tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, chính phủ và nền kinh tế nói chung; tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt đối với các đối tượng có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện tài chính toàn diện.
Tại Việt Nam, ngành tài chính được xác định là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng tham gia cao trong cuộc CMCN lần thứ tư và cần được tập trung ưu tiên phát triển. Chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) (chỉ số ICT Index).
Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá CĐS DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp DVC; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện CĐS với các kết quả ấn tượng như Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% DN sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia...
Các nền tảng quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước (CQNN), tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các CQNN và giữa CQNN với tổ chức, cá nhân; Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng...
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho biết trong kế hoạch CĐS đến năm 2025, hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đặt ra mục tiêu gắn CĐS với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong đó huy động nguồn lực tài chính quốc gia đóng vai trò quan trọng.
Tại Việt Nam dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình CĐS ngành tài chính. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Nga, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai dữ liệu số trong công tác quản lý thu ngân sách cũng còn gặp những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, hiện nay, CSDL thông tin về thuế vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng và vận hành hiệu quả kho dữ liệu trung tâm. Ví dụ, dữ liệu HĐĐT rất lớn nhưng việc phân tích, đánh giá dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế vẫn còn hạn chế, khối lượng dữ liệu lớn chưa được khai thác nhiều. CSDL chưa kết nối tự động với các bên thứ ba như ngân hàng, hay trung tâm dữ liệu quốc gia để kết hợp phát hiện đầy đủ những thay đổi thông tin về mã số định danh, về tính thuế thu nhập và đưa ra các yêu cầu khai báo đầy đủ.
Tính liên kết, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống số ngành tài chính chưa cao, cần phải có sự đồng bộ hóa CNTT cốt lõi giữa các cơ quan thu ngân sách.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính, cũng cho rằng ngành tài chính đang gặp thách thức lớn trong xử lý dữ liệu, do những nguyên nhân như khối lượng dữ liệu rất lớn, với nhiều lĩnh vực khác nhau do lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách rộng; hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành và kho dữ liệu phân tán, đặc biệt là chưa có chiến lược tổng thể để quản lý thông tin và dữ liệu.
"Thách thức trong việc xây dựng CSDL quốc gia về tài chính nằm ở việc chưa có khung quản trị dữ liệu thống nhất giữa các đơn vị trong ngành Tài chính. Nhiều hoạt động tổng hợp thông tin và báo cáo đang được thực hiện thủ công, chưa tập trung thông tin chi tiết, đa chiều về các vấn đề cụ thể từ các góc nhìn khác nhau. Phân tích dự báo chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của các đơn vị và của Bộ Tài chính; chưa thường xuyên áp dụng các mô hình dự báo kinh tế vĩ mô đa biến, mô hình phân tích chính sách tài khóa với các kịch bản kinh tế vĩ mô khác nhau…", ông Nguyễn Minh Ngọc nói.
Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính cũng đã đưa ra một số giải pháp nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, như xây dựng khung quản trị dữ liệu và công cụ quản lý chất lượng, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu.
Ngoài ra, để phân phối, chia sẻ thông tin, cần thiết kế và xây dựng một cổng thông tin điện toán đám mây với khả năng tích hợp đầy đủ để người dùng từ bên ngoài các Bộ, ban, ngành khác có thể truy cập, đồng thời thực hiện chia sẻ thông tin cho người dân và DN.
Cũng đề xuất giải pháp để ngành tài chính có thể xây dựng và khai thác CSDL hiệu quả, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho rằng vấn đề đặt ra là cần có một khung pháp lý phù hợp, các chính sách về dữ liệu và quản lý dữ liệu được thiết kế tốt. Hạ tầng CNTT ngành tài chính phải đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu về giải pháp, công nghệ.
Theo bà Nguyễn Thanh Nga, cần thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin. Đồng thời, tăng cường kết nối dữ liệu từ hệ thống một cửa quốc gia với hệ thống xử lý dữ liệu của ngành; hỗ trợ, hướng dẫn các DN, các bên liên quan đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu.
Dữ liệu số sẽ tiếp tục nắm vai trò quan trọng trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý ngành tài chính. Chiến lược tài chính năm 2030 cũng đã đưa ra lập pháp về dữ liệu số ngành tài chính. Đó là xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm