Thị trường hàng hóa
Điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại
Việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Tại Việt Nam, những nỗ lực chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và bền vững trong thời đại mới.
Tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi xanh và số hướng tới phát triển bền vững ngày 23/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hải Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) chia sẻ, những năm trở lại đây, mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành sự ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các Chính phủ.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Trong khi đó, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Hải Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội.
Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, tạo ra việc làm và thúc đẩy sáng tạo.
TS Nguyễn Xuân Thơ - Cố vấn cấp cao DigiwinSoft nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là điều kiện kiên quyết giúp doanh nghiệp có thể tồn tại.
"Với chuyển đổi xanh, nếu doanh nghiệp không thể thực hiện được điều này cũng sẽ rất khó để tham gia vào chuỗi cung ứng. Và một khi tham gia được rồi, kiểm soát được rồi thì doanh nghiệp sẽ có những chương trình bền vững, những giá trị bền vững, cũng như trở nên trách nhiệm hơn với xã hội", ông Thơ nói.
Phải thay đổi nhận thức
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Hải Hùng, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ. Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Vấn đề này cũng đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ và các tổ chức liên quan.
Với doanh nghiệp, TS Nguyễn Xuân Thơ khuyến nghị cần chuẩn hóa quy trình vận hành thông qua hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giúp quy hoạch và tăng tính minh bạch, nắm bắt thông số sản xuất tức thời qua công nghệ IoT. Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất và thông minh hóa thiết bị sẽ nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát và cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững.
Cũng theo chuyên gia, để thúc đẩy hơn quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, doanh nghiệp cần ý thức được rằng đây là tiêu chuẩn chung mà doanh nghiệp và lãnh đạo phải chuẩn bị, xây dựng cũng giống như quá trình họ xây dựng kế hoạch kinh doanh.
"Thực tế hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện song hành chuyển đổi sổ và chuyển đổi xanh. Đây cũng sẽ là khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện điều đó quyết liệt hơn", ông Thơ nói.
Ông Đoàn Đức Thảo - Giám đốc phát triển kinh doanh và đối tác tại Siemens Digital Industries Software cho rằng, đích đến cuối cùng của chuyển đổi là giá trị, mang lại giá trị doanh thu, giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Do đó, trước hết, doanh nghiệp cần định vị doanh nghiệp thuộc đơn vị sản xuất hay đơn vị thương mại... để từ đó có kế hoạch, chiến lược chuyển đổi như thế nào cho phù hợp. Lý do là khi tiến hành chuyển đổi, có rất nhiều thách thức liên quan đến thị trường, công nghệ, giải pháp mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt.
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhấn mạnh, sự vào cuộc của Chính phủ với tiến trình chuyển đổi "kép" này rất rõ ràng và tích cực. Trong đó, Bộ KH&ĐT là 1 trong những bộ được Chính phủ giao thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Tuy vậy, theo ông Thịnh, dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu nhưng không phải là điều gì đó quá lớn. Mọi doanh nghiệp đều có thể thực hiện ngay mà không cần phải cơ chế chính sách nào, vấn đề quan trọng là nhận thức.
"Đơn cử doanh nghiệp nên dùng đèn cảm ứng để tiết kiệm điện thay vì mắc nhiều đèn gây tốn điện không cần đến các mô hình hoành tráng, quan trọng nhất là nhận thức. Do đó, trong chính sách, cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức", ông Thịnh nêu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm