Thị trường hàng hóa
Thế giới làm gì để chống tin giả
Khái niệm “fake news” xuất hiện phổ biến rộng rãi khoảng năm 2016 và từ đó đến nay, nó nở rộ, lây lan rất nhanh, đặc biệt vào những thời điểm thiên tai, dịch bệnh bùng phát như trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Theo các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), tin giả, nhất là tin liên quan đến chính trị, chỉ cần khoảng thời gian ít hơn 3 lần so với tin thật để vươn đến 20.000 người. Khi khảo sát 126.000 tin đồn được chia sẻ bởi 3 triệu người sử dụng mạng xã hội, các nhà nghiên cứu của MIT cũng chứng minh cho thấy, để lan truyền đến 1.500 người, tin thật phải mất một lượng thời gian nhiều gấp 6 lần so với tin giả.
Nhà nghiên cứu Laura Duarte của Đại học Columbia, cho biết phản ứng phổ biến nhất đối với thông tin sai lệch trên thế giới là cố gắng tạo ra luật pháp để ngăn chặn nó. Tại Brazil, Dự luật về Tự do, Trách nhiệm và Minh bạch trên Internet, thường được gọi là dự luật “tin giả” đã được Thượng viện thông qua vào năm 2020 và hiện đã được đưa vào hạ viện. Một số quốc gia Mỹ Latinh đang tìm cách hình sự hóa việc phổ biến tin tức giả với mức án lên đến 10 năm.
Theo Viện Báo chí Quốc tế, 17 quốc gia trên toàn cầu đã thông qua một số hình thức quy định nhằm vào thông tin sai lệch, tin thất thiệt, trong khi nhiều dự luật khác vẫn đang chờ các cơ quan lập pháp thông qua.
Câu chuyện làm việc với các công ty truyền thông xã hội cũng là một trong những biện pháp căn cơ để chống tin giả. Một số chính phủ đang cố gắng làm việc với các công ty truyền thông xã hội để giải quyết các công cụ chính được sử dụng để lan truyền tin tức giả mạo. Khá nhiều quốc gia đã thông qua các đạo luật để kiểm soát thông tin trên các mạng xã hội (kiểm duyệt) như Australia, Newzealand, Đức, sau đó là Nga và Singapore. Hầu hết các đạo luật đều khá mạnh tay với việc chế tài các công ty truyền thông hay các mạng xã hội trong cung cấp thông tin để phòng ngừa nguy cơ tin giả và xử lý nhanh chóng khi có fake news.
Đáng chú ý là Singapore với Luật chống tin giả và thao túng trên mạng với các chế tài khá mạnh. Trong số các biện pháp được đề xuất có khoản phạt lên tới 1 triệu đôla Singapore (hơn 17 tỉ đồng) và mức tù tối đa 10 năm đối với các trường hợp lan truyền tin giả nghiêm trọng nhất.
Đài Loan cấm các dịch vụ truyền phát video trực tiếp của Trung Quốc còn Trung quốc thì kiểm duyệt bằng cách cấm toàn bộ các mạng xã hội của nước ngoài hoạt động.
Về phát hiện tin giả thì khái niệm tin giả và thẩm quyền xác định tin giả có sự khác biệt giữa các quốc gia. Một số nước hiểu tin giả là: thông tin sai sự thật, một phần sự thật, giả tạo, không dựa trên chứng cứ khách quan hoặc chưa được kiểm chứng nhưng không bao gồm các thông tin theo dạng đánh giá (comment), quan điểm, ý kiến, bình luận. Một số nước khác lại xác định tin giả gồm cả 2 loại trên.
Trước đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua dự luật cấm phổ biến thông tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng nhà nước trên môi trường mạng. Thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của Nga. Cấm truyền bá các thông tin giả mạo "có tầm ảnh hưởng xã hội lớn", có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng, có thể bị phạt 100.000 rúp/cá nhân hoặc 1 triệu rúp với tổ chức.
Một vấn đề được các nước trên thế giới chú trọng là đào tạo kiến thức về phương tiện truyền thông. Giáo sư Joshua Tucker, Đồng Giám đốc Trung tâm Truyền thông Xã hội và Chính trị, Đại học New York cho rằng: Công dân cũng có thể được dạy để tự nhận ra thông tin sai lệch. Phần Lan dạy học sinh từ khi còn nhỏ ở độ tuổi tiểu học để có thể nhận biết thông tin sai lệch thông qua các môn học khác nhau. Ví dụ: học sinh có thể học cách vận dụng ý nghĩa của hình ảnh trong các bài học nghệ thuật hoặc phân tích các chiến dịch tuyên truyền trong lịch sử.
Bang São Paulo ở Brazil đã đưa khả năng hiểu biết về truyền thông như một lớp học tự chọn dành cho học sinh trung học cơ sở để giúp họ nhận biết đâu là tin tức và cách kiểm tra các nguồn tin. Nhóm kiểm tra thực tế Chequeado của Argentina đã soạn thảo một cuốn sổ tay với UNESCO để giúp đào tạo công chúng phát hiện thông tin sai lệch.
Công cuộc chống tin giả mạnh mẽ ở Việt Nam
Luật pháp như “cây gậy” để răn đe những ai tạo ra tin giả. Tùy theo thực tế pháp luật, chính trị và xã hội, mỗi nước có cách tiếp cận và chọn lựa khác nhau.
Tại Việt Nam Luật An ninh mạng được ban hành nghiêm cấm các hành vi như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Điều 26 khoản 3 của Luật An ninh mạng còn nêu rõ: Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ cho người dùng trên mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ cũng đã ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo Nghị định 15, hành vi phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc bị phạt tới 50-70 triệu đồng. Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử trên môi trường Internet.
Trong 10 tháng năm nay, lực lượng công an đã khởi tố điều tra 527 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hành vi đăng tải sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, đã khởi tố 63 vụ án với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng...
Theo Thượng tá, tiến sỹ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an, thực tế vẫn tồn tại số lượng lớn tin giả trên mạng xã hội, cho thấy tính răn đe của các quy định hiện hành vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, tiếp tục có những quy định “mạnh tay” hơn để xử lý các đối tượng xây dựng và tán phát tin giả là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, thời gian tới cần chú trọng nâng cao nhận thức cho mọi người dân về tác hại của tin giả cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong tạo dựng và tán phát tin giả. Thời gian tới công tác tuyên truyền cần tăng cường phổ biến cách nhận diện tin giả để người dân chủ động phòng, tránh; phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại để ngăn chặn tác động tiêu cực; tích cực tuyên truyền về tác hại của tin giả cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong tạo dựng và tán phát tin giả.
Chủ động, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin chính thống, bảo đảm chính xác, góp phần ngăn chặn tin giả, tin gây thất thiệt trên internet và mạng xã hội. Chủ động thông tin những chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm.
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có các biện pháp kiên quyết hơn để các nhà mạng phải vào cuộc một cách thực sự trong việc ngăn chặn, phát hiện và kịp thời gỡ bỏ, không để tin giả lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước", Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định.
Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 diễn ra ngày 29/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phát ngôn, nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, củng cố niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, người dân. Cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân tung tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế...
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm