Thị trường hàng hóa
Việc chuẩn hoá thông tin được thực hiện theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) tuyên truyền từ ngày 13/3/2023. Việc chuẩn hóa thông tin các thuê bao di động nhằm mục tiêu ngăn chặn SIM rác, SIM không chính chủ, tiến tới xử lý các tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Để hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao, đại diện VinaPhone cho biết, đã tăng cường nhân sự giải đáp hướng dẫn khách hàng, nâng cấp các hệ thống kỹ thuật để phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng cập nhật lại thông tin thuê bao trong một ngày, tổ chức các quầy lưu động, bố trí nhân sự hỗ trợ tại nhà khách hàng, kéo dài thời gian phục vụ tới 21h -22h hàng ngày.
Trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về quyền sử dụng của số điện thoại, nhà mạng sẽ tiếp nhận và xử lý theo quy trình, căn cứ theo theo lịch sử thông tin thuê bao đã sử dụng tại hệ thống.
Với tất cả các nhà mạng, tính đến ngày 31/3, còn khoảng 1,8 triệu thuê bao sai thông tin chưa được chuẩn hóa. Các nhà mạng bắt đầu khóa liên lạc một chiều với các thuê bao này đồng thời đề nghị khách hàng tiếp tục chuẩn hóa thông tin sau khi bị khóa một chiều để tránh trường hợp bị thu hồi số.
Đại diện MobiFone cho biết, tính đến ngày 31/3, còn khoảng 600.000 thuê bao của nhà mạng này chưa chuẩn hóa thông tin. Thực hiện theo quy định của pháp luật, từ 0h ngày 1/4, MobiFone thực hiện khóa liên lạc chiều gọi đi với các thuê bao chưa chuẩn hóa.
Trước đó, từ ngày 15/3, MobiFone đã thông báo/hướng dẫn khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua việc nhắn tin liên tục trong 5 ngày, đồng thời thực hiện các cuộc gọi thông báo/hướng dẫn cho khách hàng về thời hạn/cách chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Đại diện Viettel cho biết, đến thời điểm 17h30 ngày (31/3) vẫn còn hơn 400.000 khách hàng chưa thực hiện chuẩn hoá thông tin. Các thuê bao này sẽ bị chặn 1 chiều trước 1/4.
Thực hiện theo quy định của pháp luật, sau khi bị chặn liên lạc một chiều, 15 ngày sau đó, thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều và 30 ngày sau khi bị khóa 2 chiều sẽ bị thu hồi số nếu vẫn chưa chuẩn hóa thông tin.
Đối với khách hàng sử dụng mạng Vinaphone, sau khi bị khóa 1 chiều, số thuê bao sẽ tiếp tục bị khóa 2 chiều trong 15 ngày tiếp theo và sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa 2 chiều.
Khi bị khóa liên lạc 1 chiều, số điện thoại của khách hàng vẫn có thể thực hiện gọi miễn phí đến 18001091 để được giải đáp hướng dẫn. Khách hàng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trên app/web MyVNPT để được mở lại liên lạc (thông qua truy cập wifi hoặc từ thiết bị khác và đăng nhập qua mã OTP gửi đến số điện thoại của khách hàng) hoặc đến các điểm giao dịch của VinaPhone trên toàn quốc để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Sau khi bị khoá liên lạc 2 chiều, khách hàng cần đến các điểm giao dịch trên toàn quốc để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Sau 30 ngày kể từ thời điểm khóa 2 chiều, các số thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa lại thông tin sẽ được VinaPhone thu hồi theo quy định của Phát luật.
Với nhà mạng MobiFone, khi bị khóa liên lạc một chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trên App My MobiFone, web https://tttb.mobifone.vn/ (thông qua truy cập wifi hoặc từ thiết bị khác và đăng nhập qua mã OTP gửi đến số điện thoại của khách hàng) hoặc đến các cửa hàng giao dịch của MobiFone trên toàn quốc để được hỗ trợ.
Sau khi bị khóa liên lạc 2 chiều, khách hàng cần đến các cửa hàng giao dịch MobiFone để được hỗ trợ. Ngay sau khi khách hàng cập nhật thông tin, dịch vụ di động sẽ được tự động mở và hoạt động bình thường trở lại.
Đối với mạng Viettel, khi bị khóa liên lạc một chiều, số điện thoại vẫn có thể gọi miễn phí lên tổng đài của nhà mạng để giải đáp hướng dẫn. Người dùng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa qua ứng dụng, nền tảng web hoặc trực tiếp tại cửa hàng để mở lại liên lạc. Tổng đài của Viettel: 1800 8098.
Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, là quyền lợi của khách hàng, đặc biệt khi sử dụng các dịch vụ hành chính công.
Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải rà soát, phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hoá để truyền thông, bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, đồng thời tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin đúng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm