Thị trường hàng hóa
Dấu hiệu nhận biết lừa đảo giả danh giáo viên, nhân viên y tế
Các đối tượng lừa đảo tự xưng là giáo viên/ nhân viên y tế, gọi điện cho phụ huynh, học sinh thông báo rằng con em/ người thân họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Những “thầy cô giáo tự xưng” này thay phiên nhau gọi điện thúc giục cha mẹ chuyển tiền cứu con, nếu không hoặc chậm nộp tiền thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp này, các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức đánh vào tâm lý, tình cảm của nạn nhân, hình thành trạng thái bất an, lo sợ và hoảng loạn khi phụ huynh phải nghe tin người thân mình đang cấp cứu.
Để hoàn toàn thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng những ngôn từ tiêu cực nhằm kích động cảm xúc như nguy kịch, bị thương nặng, có thể không qua khỏi… Đáng nói, một số đối tượng còn thuộc lòng thông tin về trường, lớp học của con, tên giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng khiến phụ huynh nhất thời tin tưởng.
Một số dấu hiệu đáng ngờ về đối tượng lừa đảo mà các phụ huynh cần lưu ý như cách xưng hô khác thường ngày, không thể cung cấp thông tin cá nhân của mình một cách rõ ràng, thời gian gọi điện vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm…
Biện pháp phòng tránh
Việc tốt nhất bây giờ là hạn chế chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, con cái, danh tính của mình lên mạng xã hội. Cùng với đó, những dịch vụ mà mình đã đăng ký mà không còn nhu cầu nữa nên được hủy bỏ để hạn chế bớt việc các đơn vị giữ thông tin của mình.
Ngoài ra, khi nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường, người dân cần bình tĩnh xác minh thông tin, xem xét một cách tỉnh táo, cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra.
Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.
Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Các tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào cổng thông tin khonggianmang.vn để tra cứu hoặc phản ánh tới cơ quan chức năng về những trường hợp nghi ngờ lừa đảo trực tuyến.
Trong trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc Tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng 1800.6838 của Bộ Công Thương.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm