Thị trường hàng hóa
Những con số đáng chú ý về việc sử dụng Internet tại Việt Nam
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Vào tháng 1/2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1% trên tổng dân số. Theo phân tích của Kepios, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022. Vào tháng 1/2023, Việt Nam có 70,00 triệu người dùng mạng xã hội. Theo các tổ chức GWI và data.ai, sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại.
Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức để đảm bảo an toàn Internet
Nhằm tuyên truyền cho người dân ý thức bảo đảm an toàn trên Internet, Ngày An toàn Internet đã ra đời từ năm 2004. Ngày An toàn Internet hiện đã vượt qua mọi biên giới địa lý và được tổ chức thường niên vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 2 tại gần 200 nước trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, không chỉ hưởng ứng Ngày An toàn Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hay nhiều ban, ngành cũng đã tổ chức nhiều Tọa đàm, Hội thảo, Tài liệu, Công văn… nhằm giúp người dân tiếp cận đầy đủ thông tin để phòng tránh nguy cơ tiềm ẩn từ Internet.
Ngày 10/7 vừa qua, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo về ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng ở Việt Nam. Theo đó, hiện có ba nhóm lừa đảo chính, đó là: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở Việt Nam. Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các nhóm đối tượng là: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, các công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng.
Theo Bộ Công an, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân một số kỹ năng để đảm bảo an toàn như: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng; sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng; chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin…
Nhằm hưởng ứng tháng hành động tuyên truyền nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, cũng như giúp người dân trang bị được kiến thức đầy đủ về việc sử dụng an toàn Internet, tổ chức phi chính phủ The Vietnam Foundation thông qua chương trình Khan Academy Vietnam đã chính thức Việt hóa khóa học An toàn Internet. Khóa học trực tuyến và miễn phí hoàn toàn nhằm cung cấp cho người dân không giới hạn độ tuổi học tập, không giới hạn khoảng cách địa lý những kiến thức về an toàn Internet bao gồm: Tìm hiểu về mật khẩu, thông tin định danh cá nhân và bảo mật tài khoản; Tìm hiểu về những điều cần chú ý khi duyệt web, chế độ duyệt web ẩn danh, cookies, những điểm cần chú ý khi chọn trình duyệt, những điểm cần chú ý khi mua sắm và thanh toán trực tuyến; Tìm hiểu về những điều cần chú ý để bảo mật thiết bị và những cách bảo mật thiết bị; Tìm hiểu về các hình thức lừa đảo, tấn công qua mạng, cách phát hiện và phòng ngừa hành vi tấn công qua mạng; Kỹ thuật mã hóa dữ liệu; Giao thức Internet an toàn…
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm