Thị trường hàng hóa
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt "Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS.
Các chuyên gia cho rằng, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ "Sản xuất nông nghiệp" sang "Kinh tế nông nghiệp"; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Giá trị cốt lõi của CĐS trong nông nghiệp của nước ta hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn.
CĐS giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp (DN) chế biến, thương mại gắn với gần 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua.
Ngày 15/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP về việc phê duyệt Kế hoạch CĐS ngành NN&PTNT giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, mục tiêu CĐS của ngành NN&PTNT là thúc đẩy nông dân, các DN tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT cam kết sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và DN tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp…
Trong kế hoạch CĐS ngành, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (big data); 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp… Đồng thời, thu hút DN, người dân tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số...
Song song với đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam nhằm đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng...) và kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, CĐS đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp, từ quản lý đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&PTNT đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS theo "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, chính phủ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp.
CĐS đã được ứng dụng trong trồng trọt như: công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây... Trong chăn nuôi, có công nghệ IoT, chuỗi khối (blockchain), công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn...
Trong lĩnh vực lâm nghiệp là công nghệ DND mã vạch được ứng dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám...
Trong lĩnh vực thủy sản, ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong chế biến thủy hải sản từ phân loại, hấp, đóng gói…
Trong tiêu thụ hàng nông sản, công nghệ số đã được sử dụng trong kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến ở 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất của cả nước như: Sendo, Shopee; Tiki; Postmart, ViettelPost (Voso), Lazada. Ngoài ra, còn được bán trực tuyến trên nền tảng online: facebook, zalo, youtube…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong nông nghiệp đòi hỏi có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Nhận thức của DN, nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp cần được nâng cao, tạo nền móng cho CĐS trong ngành nông nghiệp.
Đi cùng với đó là phát triển hạ tầng và kết nối mạng Internet băng thông rộng chất lượng cao đến tận cấp xã, thôn; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin miễn phí tại trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm du lịch nông thôn; tiến tới, phổ cập hạ tầng số theo hướng mỗi hộ nông dân một điện thoại thông minh, một đường cáp quang phổ cập định danh số cho nông dân.
Đặc biệt, là sẽ phải xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng... và dịch vụ nông nghiệp; Khuyến khích người dân, DN số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR; Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm