Thị trường hàng hóa
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiết kiệm… đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện qua kênh số, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu, chỉ 30-40%, phản ánh hiệu quả của chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, ứng dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng từ 55% vào năm 2017 lên 88% vào năm 2021. Ở thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng tương ứng là 41% lên 82%.
Với việc sử dụng thuận lợi, nhiều người dân đã không còn thói quen trực tiếp giao dịch tại ngân hàng hay sử dụng tiền mặt, thay vào đó là sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh thông tin, tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% trong năm 2022. Song song, thanh toán điện tử tăng trưởng 96,5% về lượng giao dịch và 87,3% về giá trị so với năm 2021.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá: “Trên thực tế các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây đều cho thấy, người dân ngày càng ít dùng tiền mặt. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như chuyển khoản, quét mã QR, thẻ, ví điện tử… đang ngày càng phát triển. Và quan trọng là các phương thức này được người dân ưa dùng bởi tính tiện lợi”.
Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử. Trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Có đến 3.300 tỷ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm