Thị trường hàng hóa
Đó là thông tin được thảo luận tại Hội nghị quốc gia với chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ trong quá trình phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 của ngành dệt may và da giày Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức gần đây.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố vào năm 2021, đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng giới vốn có mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới, trong đó bao gồm tỷ lệ thất nghiệp.
“Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày đã và đang nỗ lực chung tay để kiến tạo một môi trường làm việc bình đẳng và dành nhiều cơ hội hơn cho nữ giới”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. Đồng thời ghi nhận những tác động của đại dịch, Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc làm, thu nhập, an sinh của lao động nữ trong các ngành kinh tế này.
“Những minh chứng rõ ràng cho thấy việc trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật, gia tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại, cải thiện sức khỏe và mục tiêu học tập, đào tạo cho người lao động và gia đình của họ”, ông Dan Rees - Giám đốc Chương trình Better Work toàn cầu cho biết.
Theo ông Dan Rees, trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhiệm vụ cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này cũng phù hợp với lời kêu gọi Hành động toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm.
“Chính phủ Australia tự hào hỗ trợ Chương trình Better Work (Chương trình việc làm tốt hơn) thông qua khuôn khổ hợp tác lâu dài với ILO. Chúng tôi ghi nhận rằng, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng hiện đây vẫn là một thách thức lớn trên toàn cầu,” bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia chia sẻ.
Đại sứ Australia cho biết thêm: Các điều khoản trong Bộ luật Lao động hiện nay của Việt Nam về việc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng nhà trẻ hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho người lao động, thực hiện các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục và trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị tương đương, chính là những chiến lược quan trọng để ngành dệt may, da giày phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, có sức chống chịu tốt hơn.
Ngành dệt may, da giày Việt Nam là các ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Các ngành này hiện có khoảng 5 triệu lao động, trong đó tới hơn 70% là lao động nữ.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các ngành kinh tế này, nhưng bước sang năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đã khởi sắc trở lại. Better Work Việt Nam hiện đang hỗ trợ hơn 400 nhà máy dệt may và da giày trên cả nước tham gia chương trình với khoảng 700.000 lao động, giúp cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh thông qua các dịch vụ đánh giá, tư vấn và đào tạo.
Chương trình Better Work Việt Nam là một chương trình hợp tác đặc biệt giữa ILO và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của World Bank Group với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh các ngành xuất khẩu trọng điểm tại Việt Nam.
Trong quá trình đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, chương trình đã hướng ưu tiên lớn hơn tới bình đẳng giới, do nhận thấy những tác động về sức khỏe, khối lượng công việc chăm sóc, cũng như về phân biệt đối xử đối với phụ nữ nghiêm trọng hơn nhiều so với nam giới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm