Thị trường hàng hóa
Sự phát triển trong tương lai của AI tất nhiên sẽ không phải là một đồ thị cong hướng lên trơn tru mà ai cũng có thể đoán trước được đường đi của nó. Vẫn còn những cuộc tranh luận cơ bản trong thế giới AI về những con đường phía trước. Nó còn phụ thuộc vào việc công nghệ AI sẽ còn tiến triển đến đâu và cách thế giới báo chí có thể thích ứng được với kỷ nguyên AI như thế nào.
Có nghĩa rằng tương lai báo chí sẽ được tác động bởi 2 yếu tố khách quan và chủ quan, tức sức mạnh nội tại của báo chí và sự phát triển của công nghệ. Và có thể nói cho tới thời điểm này, báo chí thế giới nói chung, cũng như ở cả Việt Nam, đều rất ý thức được việc cần phải tìm hiểu, học hỏi và đặc biệt đưa ra các chiến lược cụ thể trong việc vận dụng AI vào công việc.
Như đã biết, AI có thể giúp giải quyết được nhiều công việc trong tòa soạn, từ việc tìm kiếm thông tin, sản xuất nội dung, phát hành tin tức và cả tương tác với độc giả, theo những cách đa dạng và phức tạp hơn.
Bởi vậy, hiện đã có những ý kiến cho rằng việc đào tạo kiến thức AI sẽ là một phần cơ bản trong các tòa soạn. Tất nhiên, không phải tất cả các nhà báo đều phải đột nhiên biết cách viết code, nhưng họ nên có hiểu biết về các công cụ cơ bản cần thiết để làm việc trong kỷ nguyên mới, giống như khi báo chí bước vào giai đoạn đầu của kỷ nguyên số, với việc các phóng viên phải học sử dụng máy tính, cũng như các thiết bị công nghệ số khác.
Có nghĩa rằng AI có thể sẽ thay đổi cách thức làm việc trong mọi bộ phận của tòa soạn, bởi rất có thể cách thức hoạt động của toàn hệ thống trong tòa soạn sẽ thay đổi. Tất nhiên, đó không phải là viễn cảnh một sớm một chiều, thậm chí trong vài năm nữa, song đó sẽ là tương lai mà báo chí có thể sẽ hướng đến trong kỷ nguyên AI.
Thực tế, kỷ nguyên AI đang thay đổi từng ngày từng giờ. Microsoft vừa thử nghiệm đưa AI vào bộ công cụ Office nổi tiếng của mình, qua đó giúp cho việc soạn thảo văn bản, thuyết trình hay làm tính Excel hoàn toàn có thể thực hiện bởi giọng nói hoặc câu lệnh, chứ không cần phải biết các thuật toán phức tạp như trước. Tương tự như vậy, Google cũng đang “AI hóa” Gmail và công cụ Google Docs của mình, qua đó có thể thay đổi cách thức làm việc ở các văn phòng trong tương lai. Cách tác nghiệp của các phóng viên trong kỷ nguyên AI bởi vậy sẽ có nhiều thay đổi.
Do đó, đào tạo AI được coi là bắt buộc đối với tất cả những người tham gia như một phần của quá trình phát triển nghề nghiệp. Những người không được đào tạo trước về báo chí công nghệ cao cần phải được đào tạo cơ bản. Điều đó cũng bao gồm đào tạo cơ bản về kỹ thuật và dữ liệu. Những người có nhiều hiểu biết hơn cần được đào tạo thêm về cách áp dụng AI hoặc học máy vào công việc thực tế.
Không phải ai trong tòa soạn cũng cần biết mọi thứ về AI. Nhưng ít nhất một số người cần có cái nhìn tổng quan và phức tạp hơn về tác động tổng thể. “Bất kỳ ai sử dụng AI trong tòa soạn cần biết một số thứ ở cấp độ tương đối cao, cách thức hoạt động của một hệ thống AI. Ví dụ: xác định vấn đề, thu thập dữ liệu, xây dựng mô hình, đánh giá mô hình, sản xuất, phản hồi…”, một tòa soạn trong nghiên cứu của JournalismAI cho biết.
Trong kỷ nguyên AI, báo chí sẽ được thúc đẩy phải hợp tác với các tổ chức khác. Điều này có thể xuyên suốt một loạt các hoạt động bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), báo chí điều tra, chia sẻ dữ liệu và đào tạo. Các tổ chức tin tức trên toàn thế giới hoặc trong một quốc gia sẽ được hưởng lợi từ một trung tâm cơ sở dữ liệu chung về báo chí AI hay học máy.
“Việc hợp tác nhiều hơn sẽ tốt hơn giữa các tổ chức truyền thông, cũng như với các ngành khác như các nhà khoa học xã hội để giúp vận hành dữ liệu. Cũng là một cách tiếp cận thống nhất về đạo đức trong dữ liệu và AI”, một tòa soạn khác trong nghiên cứu của JournalismAI cho biết.
Theo các chuyên gia, sự hợp tác là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của AI trong lĩnh vực báo chí để có thể giảm bớt những gánh nặng về tài chính cho mỗi cơ quan báo chí trong thời đại mới. Trong một thế giới mà tin tức thường xuyên quốc gia, sự hợp tác rất có ý nghĩa đối với việc đưa tin về các vấn đề toàn cầu, như tội phạm, biến đổi khí hậu, thương mại, tài chính hay tiền điện tử.
Một tổ chức được thành lập đặc biệt để hợp tác là Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Đây không chỉ là nơi giúp cung cấp một số báo chí đa quốc gia nổi bật với vụ án Hồ sơ Panama, mà còn hoạt động như một nguồn tài nguyên để đào tạo và hợp tác nói chung. Họ đã hợp tác với Quartz AI Studio, Đại học Stanford và nhiều tổ chức tin tức khác. Đó là một ví dụ điển hình về một cơ quan trung gian được tài trợ độc lập có thể cung cấp các nguồn lực và kiến thức chuyên môn về báo chí liên quan đến AI.
Các trường đại học giảng dạy và nghiên cứu AI cũng là một kênh mà các tổ chức tin tức có thể sẽ phải hướng tới trong kỷ nguyên báo chí AI, nhằm thực hiện các dự án cụ thể, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển và cả đào tạo, tuyển dụng.
Tờ The Washington Post đã thành lập một phòng thí nghiệm R&D báo chí chính trị điện toán với sự cộng tác của một số giáo sư và trường đại học. Nó là một mô hình cho thấy các tổ chức tin tức và trường đại học có thể tìm cách làm việc cùng nhau vì lợi ích chung.
Sự hợp tác giữa báo chí và các tổ chức khác cũng được coi là một cách tốt để đối trọng với sự thống trị của các gã khổng lồ công nghệ, như Google, Facebook hay Microsoft. Các tổ chức sẽ giúp và hỗ trợ các tòa soạn không còn phải phụ thuộc nhiều vào các nhóm công nghệ này.
Có thể nói, việc áp dụng AI không còn phải là một sự lựa chọn có hay không, mà đó dường như sẽ là một cuộc chạy marathon mà mọi tổ chức cần bắt đầu chạy nếu họ chưa chạy.
Từ lịch sử truyền thông, chúng ta biết rằng công nghệ có thể có những tác động và ảnh hưởng đến báo chí: Công nghệ in ấn đã giúp các tờ báo in mở rộng quy mô, máy đánh chữ và sau đó là máy tính đã cải thiện năng suất. Internet thay đổi cách phát hành tin tức. Và giờ đây, tự động hóa và AI sẽ tiếp tục thay đổi tất cả các khía cạnh của ngành báo chí và xu hướng đó sẽ tiếp tục.
Song tác động của AI sẽ thực sự khác như thế nào? Trước tiên, AI có thể khiến báo chí chuyển từ truyền thông một chiều - tức đưa thông tin tới độc giả, sang truyền thông tương tác hai chiều. Để làm được điều này, các tổ chức tin tức sẽ lại phải thay đổi một lần nữa.
Thậm chí, đây là một công nghệ có thể quá phức tạp và tốn kém để áp dụng, đối với ngay cả các tổ chức tin tức lớn. Nó cũng có một số nhược điểm nghiêm trọng, chẳng hạn như sự thiên vị thuật toán của máy móc hoặc sự cám dỗ đối với lợi ích tài chính ngắn hạn.
Bởi vậy, các tòa soạn sẽ phải đầu tư nghiêm túc để trang bị các kỹ năng, kiến thức và sự đổi mới mà báo chí cần để tối ưu hóa các cơ hội của AI và giảm thiểu các tác hại tiềm ẩn mà nó mang đến.
Cuối cùng, AI hay công nghệ nào khác cũng sẽ không cứu được báo chí hoặc giết chết nó. Báo chí thực ra đang phải đối mặt với một loạt thách thức sống còn khác, như sự thờ ơ của công chúng, sự cạnh tranh quá mức để “câu view” khiến chất lượng và tính chính xác đi xuống, cũng như cả các vấn đề chính sách khác.
Điều đó có nghĩa trong một thế giới mà AI sẽ sớm thống trị nhiều lĩnh vực của đời sống, bản thân báo chí lại cần phải "chất lượng" hơn bao giờ hết. Hay theo cách một câu nói nổi tiếng là: Các tòa soạn đừng hỏi AI có thể làm gì cho họ, mà họ nên hỏi rằng họ có thể làm gì cho thế giới AI!
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm