Thị trường hàng hóa
Với Apple, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 trong số những thị trường thuộc hàng quan trọng bậc nhất ở thời điểm hiện tại. Dù iPhone 14 của Apple ra mắt đã thu hút được sự quan tâm tích cực từ Trung Quốc sau khi họ quyết định không tăng giá một số sản phẩm. Nhưng công ty đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các đối thủ địa phương tại một trong những thị trường quan trọng nhất của mình.
Apple vừa ra mắt các mẫu điện thoại iPhone 14 tại sự kiện Far Out tại California, Mỹ. Giá khởi điểm cho các mẫu cơ bản và cao cấp vẫn được giữ nguyên và phiên bản iPhone 14 có giá khoảng 800 USD (gần 19 triệu VND).
Ngay sau đó, từ khóa chủ đề "iPhone 14" đã thu hút hơn 730 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Trong khi đó, từ khóa liên quan về việc không tăng giá iPhone đã thu về hơn 120 triệu lượt xem.
Ưu tiên hàng đầu của Apple hiện tại là giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc. Bởi Trung Quốc chiếm hơn 1/6 doanh số của Apple trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, chỉ sau châu Mỹ với 45% và châu Âu là 23%.
Công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết Apple đã xuất xưởng 9,9 triệu chiếc iPhone tại Trung Quốc trong quý II, tăng 25% so với một năm trước đó, mặc dù thị trường điện thoại thông minh nói chung của nước này đã giảm 10%. Hai sản phẩm iPhone 12 và iPhone 13 đang khá được ưa chuộng ở thị trường Trung Quốc. Một phần nguyên nhân là do gã khổng lồ điện thoại của nước này, Huawei, đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, Apple đang phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Trong khi Huawei gặp khó khăn, các thương hiệu địa phương như Oppo và Vivo đã nhanh chóng cho ra mắt các mẫu máy có các tính năng như máy ảnh chất lượng cao và pin lâu hơn. Đồng thời, sự bùng phát trở lại dịch Covid-19 và việc đóng cửa ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng thị trường tỷ dân này trong quý.
Theo đó, Honor Device (nhà sản xuất điện thoại trước đây thuộc Huawei) là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc trong quý II năm nay. Theo sát là các thương hiệu địa phương khác như Oppo và Vivo, Apple đứng ở vị trí thứ 5 với 13% thị phần.
Huawei cũng đang nỗ lực lại để trở lại. Công ty đã giới thiệu điện thoại thông minh hàng đầu mới nhất của mình hai ngày trước thông báo của Apple và đánh bại ông lớn đến từ Mỹ trong việc giới thiệu điện thoại với truyền thông vệ tinh.
Ngoài ra, Apple cũng đang nhắm mục tiêu đến Ấn Độ, một thị trường tiềm năng khác không kém cạnh so với Trung Quốc. Họ đang hy vọng quốc gia có quan hệ thân thiện hơn với Mỹ có thể tiếp cận vị thế trở thành một trung tâm sản xuất, thị trường toàn cầu quan trọng, mặc dù mục tiêu đó vẫn còn rất xa.
Với hơn 1,3 tỷ dân chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh tiềm năng lớn thứ hai thế giới. Theo các nhà phân tích, một điểm sáng của Apple tại Ấn Độ là người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các thiết bị đắt tiền được hỗ trợ bởi các lựa chọn tài chính mới.
Tuy nhiên, thị trường này cũng đã xuất hiện những các thương hiệu giá rẻ thống trị trong thời gian dài. Apple đang đứng sau những công ty như Samsung Electronics của Hàn Quốc, Xiaomi của Trung Quốc và Vivo tại thị trường Ấn Độ khi mỗi công ty đều chiếm hơn 15% thị phần.
Năm 2017, Apple bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone tại Ấn Độ, cho phép công ty tránh được mức thuế bổ sung cho các thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc và giảm giá cho khách hàng. Chuyên gia Tarun Pathak của Counterpoint Research ở Ấn Độ dự báo: Thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ sẽ đạt 4% trong năm nay, tăng từ khoảng 1% vào năm 2018.
Apple đang chuẩn bị sản xuất iPhone mới của mình ở Ấn Độ. Các nhà phân tích cho biết sản lượng nội địa tăng sẽ giúp Apple mở rộng thị phần đối với người tiêu dùng Ấn Độ, mặc dù hãng vẫn chưa thể mở các cửa hàng bán lẻ tại nước này.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm