Thị trường hàng hóa
Bảng Chỉ số Đổi (Innovation Index) của Dell Technologies được công bố mới đây chỉ ra rằng 60% người tham gia khảo sát lo ngại tổ chức của họ sẽ lạc hậu trong vòng 3 - 5 năm tới, dựa trên tình hình hoạt động đổi mới và văn hóa DN.
Thông qua việc đánh giá các tổ chức, những người tham gia khảo sát được xếp vào một bảng đánh giá mức độ trưởng thành về đổi mới từ Innovation Leader (người dẫn đầu về đổi mới) cho đến Innovation Laggard (người đang tụt hậu trong đổi mới). Theo phân tích đánh giá, chỉ 17% các tổ chức tại châu Á - Thái Bình Dương (APJ) được xếp vào nhóm Innovation Leader và Adopter (người đang ứng dụng đổi mới).
Tại APJ, các DN này có khả năng tăng tốc đổi mới trong thời kỳ suy thoái nhanh hơn 2,1 lần so với các đơn vị thuộc nhóm Innovation Follower (người theo đuổi đổi mới) và Laggard (những đơn vị đang dần tụt hậu). “Khả năng đổi mới bền bỉ” này (thể hiện qua sự quyết tâm và khả năng đổi mới trong những tình huống khó khăn) cũng là một trong những lý do mà khu vực APJ chứng kiến các DN thuộc nhóm Innovation Leader và Adopter có khả năng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn 2,1 lần so với nhóm Innovation Laggard và Follower (cao hơn 15% so với tăng trưởng doanh thu dự kiến trong năm 2022).
Ông Pang Yee Beng, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực Đông Nam Á, kiêm Tổng Giám đốc Malaysia, Dell Technologies cho biết: “Chỉ số ĐMST đi sâu và giải thích rõ về việc tại sao nhiều DN không thành công trong việc đổi mới, trong khi một số lại hoàn thành. Hành trình ĐMST không hề đơn giản mà có rất nhiều thách thức”.
Theo vị chuyên gia này, càng khởi đầu sớm, các DN càng thu được nhiều kinh nghiệm hơn, từ đó gia tăng khả năng thành công hơn. Đó chính là lý do vì sao Chỉ số ĐMST đào sâu hơn và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích hơn về những gì một số DN đang làm tốt hơn, trong khi một số lại không.
Đánh giá về mức độ ĐMST và sử dụng AI trong xử lý dữ liệu lớn của các DN Việt Nam hiện nay, ông Chris Kelly, Phó Chủ tịch cấp cao mảng giải pháp Trung tâm dữ liệu Dell Technologies khu vực APJ chia sẻ: “Chúng tôi làm việc với nhiều khách hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các DN trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, truyền thông và các DN Việt Nam nằm trong diện ĐMST nhất. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương rất tiên phong, kể cả trong ứng dụng AI truyền thống và AI tạo sinh (generative AI). DN Việt Nam cũng tương tự”.
Tuy nhiên, ông Beng cũng cho rằng dù việc phát triển và thử nghiệm AI tại Việt Nam đã diễn ra được một thời gian nhưng tiềm năng phát triển của các DN Việt Nam vẫn còn rất lớn. “Tôi cảm thấy rằng ngay cả các DN lớn cũng chưa thực sự chuyển đổi hoàn toàn dây chuyền sản xuất, mở khóa các tính năng AI tạo sinh cấp DN”.
“Khi chúng ta ứng dụng AI tạo sinh, dữ liệu sẽ được sinh ra nhiều hơn, rất nhiều. Vì vậy, dữ liệu lớn sẽ trở thành lĩnh vực phát triển mạnh hơn nữa. Bởi AI tạo sinh sẽ không thể hoạt động nếu thiếu đi dữ liệu lớn được tạo ra theo thời gian thực”.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Chris Kelly cho rằng: “Các DN nên đầu tư đổi mới ngay cả khi bối cảnh kinh tế đang không rõ ràng. Quan trọng là DN cần phải thực hiện theo giai đoạn và mang tính thực tiễn cao hơn. Việc ứng dụng ĐMST sẽ giúp DN tồn tại trong khoảng thời gian khó khăn, mở ra các lợi thế cạnh tranh hơn, tạo ra những thế mạnh mới, tăng hiệu quả công việc”.
Chia sẻ thêm ý kiến để DN phát triển và tồn tại trong khoảng thời gian khó khăn, ông Beng cho rằng các DN nên chú ý CĐS. “Một trong những lợi ích của việc CĐS chính là giảm thiểu chi phí, giảm bớt sự phụ thuộc vào con người, và tăng thêm sự linh hoạt. Nếu DN sở hữu một hệ thống tự động, họ có thể điều chỉnh một cách dễ dàng khi xảy ra tình huống phải cắt giảm chi tiêu. Đây chính là ba lợi ích mà CĐS mang đến”.
Nếu đã đầu tư vào CĐS, ông Beng cho rằng khi rơi vào tình cảnh khó khăn, các dự án CĐS sẽ hỗ trợ DN giảm chi phí. “Dell cũng đã thực hiện tương tự như vậy. Khi thị trường rơi vào thời điểm nhạy cảm, chúng tôi giảm lượng hàng tồn kho nhờ vào hệ thống tự động. Hiện nay, ngay cả các linh phụ kiện của Dell cũng đang được quản lý bởi AI”.
Tuy nhiên, ông Chris cho rằng 67% các DN đang gặp khó trong việc biến những dữ liệu hiện có thành những thông tin hữu ích. “Đây là lý do chính chúng tôi tập trung vào phát triển AI. AI sẽ trở thành một động lực để giúp DN phát triển”.
Theo nhận định của ông Pautl Carter, Phó Chủ tịch mảng giải pháp khách hàng Dell Technologies khu vực APJ, hiện tại AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Mô hình dùng AI để hỗ trợ làm việc (co-pilot) đang ngày càng được triển khai nhanh hơn. AI là trí tuệ nhân tạo, nó mô phỏng theo trí tuệ của con người và làm nhanh hơn. Chính vì vậy, AI không thể tạo ra những thứ mới, AI chỉ tạo ra những thứ mà con người đã làm ra.
“Mô hình co-pilot khá đơn giản. Bạn gõ vào máy tính để có được câu trả lời, hay bạn yêu cầu AI thống nhất dữ liệu trong một bài trình bày, hay yêu cầu AI cho biết khách hàng đang cần gì từ giải pháp mới thông qua cơ sở dữ liệu hiện có. Đó chính là khái nhiệm về Co-pilot để hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn, thúc đẩy ĐMST trong DN, và hiểu rõ hơn về khách hàng. Chính vì vậy, xu hướng lớn sắp tới sẽ nằm ở việc tận dụng sức mạnh điện toán để khai thác được dữ liệu”.
Ông Chris cho rằng: “Thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở việc làm sao để hỗ trợ tất cả các DN triển khai được AI và hỗ trợ việc kinh doanh thông qua những dữ liệu lớn đã có sẵn. Các DN cũng cần một nền tảng linh hoạt nhất để vận hành đúng với nhu cầu của mình”.
Chiến lược đa đám mây có thể hỗ trợ để giải quyết tất cả các vấn đề này. Chiến lược vùng biên bao gồm cả việc mở rộng từ trung tâm dữ liệu đến vùng biên bởi vùng biên chính là nơi diễn ra các suy luận (inferencing), nơi AI phát huy tác dụng.
Về bản chất, điện toán vùng biên (edge) là những thiết bị bên ngoài trung tâm dữ liệu. Nếu các DN đối mặt với sự phức tạp, thì xuất phát điểm của chúng đến từ những máy chủ lưu trữ tại chỗ từ xa và không có nhân viên CNTT (IT) để xử lý vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Chris, xu hướng làm việc ở bất kỳ đâu đang ngày càng nhân rộng hơn và DN sẽ được hỗ trợ để đạt được điều mình mong muốn. “Điều quan trọng nhất là cần triển khai một cách bảo mật và bền vững. Đây chính là xu hướng diễn ra trong năm 2023, 2024 và trong những năm tiếp theo”.
“Công việc hiện nay không còn bó buộc tại một chỗ. Vì vậy, chúng ta cần phải cung cấp đủ các công cụ để giúp nhân viên làm việc hiệu quả ở bất kỳ đâu và tất nhiên vẫn phải đảm bảo tính bảo mật. Chúng ta cần khả năng bảo mật toàn diện từ đầu đến cuối (end-to-end)”, ông Chris cho hay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm