Thị trường hàng hóa
Tại Hội thảo chuyên đề “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng, cho biết một số địa phương, đô thị lớn đã đi đầu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh… đã ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển ĐTTM.
Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất bao gồm 05 lĩnh vực, đó là Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Giao thông thông minh; Dịch vụ công thông minh, Hành chính công và Chính quyền điện tử; Du lịch thông minh.
Thực hiện định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0), năm 2018, Bộ Xây dựng đã được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành, địa phương duy trì sự kết nối thường xuyên trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển ĐTTM.
Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Trong số này, có 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án 950 về phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam. 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.
Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển ĐTTM ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.
Về kết quả triển khai ĐTTM ở các địa phương trên cả nước, ông Trần Ngọc Linh cho biết hiện nay, TP. Cần Thơ đã thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường (01 trong 08 hệ thống thí điểm của Trung tâm Điều hành ĐTTM), sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu. TP. Đà Lạt đã xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng.
Nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Hiện nay, có khoảng 43 thành phố/thị xã tại các địa phương đang thực hiện. Khoảng 57 địa phương đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo; 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.
“Từ 2020 tới nay, trên cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng khu ĐTTM, các dự án được đề xuất tại một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, tuy nhiên chủ yếu cũng mới đang ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất”, ông Trần Ngọc Linh cho biết.
Theo ông Trần Ngọc Linh, hiện tại các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho ĐTTM, các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển ĐTTM còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho ĐTTM...).
Ngoài ra, cơ chế nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối DN, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM nên việc phát huy.
Một khó khăn nữa khi xây dựng ĐTTM là tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thách thức, khó khăn khi xây dựng ĐTTM tại Việt Nam, như việc chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng ĐTTM. Việc triển khai hiện nay vẫn đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển ĐTTM cũng còn thiếu, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, DN.
Lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý ĐTTM còn hạn chế về số lượng. Ngoài ra, mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển ĐTTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng.
Chính vì vậy, các nhiệm vụ trong thời gian tới được Bộ Xây dựng đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển ĐTTM bền vững; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quan điểm chỉ đạo về phát triển ĐTTM; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng người sử dụng.
Việc phát triển ĐTTM cần được nhận thức thống nhất, xuyên suốt, coi ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị. Theo đó, cần xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển ĐTTM.
Do xây dựng ĐTTM liên quan đến nhiều yếu tố, lĩnh vực, ngành nghề và sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành nên cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch, đảm bảo sự kết nối, liên thông và thống nhất giữa các thành phần, hướng tới vận hành ĐTTM thông qua cung cấp các tiện ích thông minh để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn.
Để tổ chức triển khai thực hiện xây dựng ĐTTM, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu các nội dung triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động xác định các vấn đề đặc thù của mình để xem xét các nội dung, giải pháp triển khai phát triển ĐTTM phù hợp với điều kiện đặc thù riêng và xác định thứ tự ưu tiên thực hiện. Việc xây dựng cần được tiến hành dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
“Phát triển ĐTTM không còn là một khẩu hiệu mà đã trở thành lựa chọn thiết thực tại các đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống và năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Phát triển ĐTTM cũng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan trung ương, mà còn cần sự hợp tác, chủ động của các chính quyền đô thị, đối tác và cần phải được cụ thể hóa trên cơ sở các kế hoạch thực hiện, hợp tác cùng thúc đẩy”, ông Trần Ngọc Linh nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm