Thị trường hàng hóa
IoT (Internet of things) được dùng với nhiều tên gọi khác nhau như Internet vạn vật, mạng lưới thiết bị kết nối Internet, mạng lưới vạn vật kết nối Internet,… Trong đó, thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất là Internet vạn vật.
Công nghệ này là một liên mạng với sự tham gia của nhiều thành phần. Trong đó, các thiết bị, phương tiện sẽ được bổ sung và tích hợp thêm các bộ phận điện tử, phần mềm cũng như các loại cảm biến giúp chúng vừa có thể thu thập dữ liệu, vừa có thể kết nối qua mạng máy tính để truyền và chia sẻ các dữ liệu đó. Hệ thống các thiết bị, phương tiện thông minh này sẽ tạo nên một cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thông tin.
Bằng việc thúc đẩy quá trình khai thác, trao đổi và sử dụng dữ liệu trong nhiều công việc khác nhau. Các ứng dụng của IoT hướng đến việc tạo ra những sản phẩm, thiết bị, đồ dùng, phương tiện thông minh hơn, tiện ích hơn.
Đối với y tế, các thiết bị, chăm sóc sức khỏe trong hệ thống IoT thực hiện thu thập các chỉ số của người bệnh, tiến hành cảnh báo và gửi dữ liệu đến bác sĩ khi cần thiết. Trong quản lý hạ tầng, hệ thống IoT tham gia vào việc giám sát và kiểm sát các hoạt động liên quan đến xây dựng, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng. IoT sẽ thu thập dữ liệu về quy trình triển khai các dự án, lên kế hoạch sửa chữa và bảo trì hiệu quả, tham gia vào quy trình xử lý các sự cố.
Ngoài một vài ứng dụng cơ bản kể trên, IoT còn được sử dụng cho nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, bảo mật thông tin, quản lý năng lượng, xe thông minh tự lái,… Ý nghĩa kinh doanh của những đổi mới này là rất lớn. Theo Công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData dự báo, thị trường IoT toàn cầu sẽ đạt doanh thu 1.100 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ 622 tỷ USD năm 2020.
Có 4 giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của cơ sở hạ tầng IoT. Mỗi giai đoạn được phân loại theo mức độ thông minh của những thứ được kết nối.
Cụ thể, giai đoạn đầu tiên của cơ sở hạ tầng IoT liên quan đến kết nối các cảm biến, bộ truyền động với vạn vật (things) của IoT. Các thiết bị được kết nối có trách nhiệm cung cấp dữ liệu là cơ sở cho IoT. Để thu nhận các thông số vật lý ở thế giới bên ngoài hoặc trong bản thân vật thể, chúng cần các cảm biến được nhúng vào chính thiết bị hoặc được triển khai dưới dạng các đối tượng độc lập để đo và thu thập dữ liệu từ xa.
Một yếu tố không thể thiếu khác của lớp này là các bộ truyền động cộng tác chặt chẽ với các cảm biến, chuyển đổi dữ liệu thành hành động. Đồng thời, các đối tượng được kết nối không chỉ cần giao tiếp với hệ thống thu thập dữ liệu trên Internet mà còn cần chia sẻ thông tin và cộng tác với nhau.
Điều này đặc biệt giúp ích cho việc quản lý chuỗi cung ứng, sản phẩm có thể được xác định và theo dõi thông qua các thẻ nhận dạng tần số vô tuyến. Các biến khác như nhiệt độ cũng có thể được ghi lại hay các thiết bị theo dõi hoạt động thể chất có thể ghi lại số bước hoặc nhịp tim.
Giai đoạn 2 của cơ sở hạ tầng IoT là sau khi cảm biến gửi dữ liệu, các cổng kết nối Internet tổng hợp và chuyển đổi thành dạng kỹ thuật số để có thể xử lý, kết nối với phần còn lại của hệ thống. Hơn nữa, người dùng có thể kiểm soát, lọc và chọn dữ liệu để giảm thiểu khối lượng thông tin cần được chuyển tiếp lên đám mây, giúp tiết kiệm băng thông và giảm thời gian phản hồi.
Một khía cạnh khác của các cổng hỗ trợ là bảo mật. Bởi chúng chịu trách nhiệm quản lý luồng thông tin theo cả hai hướng, do đó có thể ngăn chặn rò rỉ dữ liệu cũng như giảm nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài vào các thiết bị IoT. Apple cho phép sử dụng Apple Pay để thanh toán không tiếp xúc, bảo mật tại các cửa hàng, nhà hàng,... trên iPhone. Nhiều thiết bị thể dục có thể đeo được, cần có điện thoại thông minh để thu thập phân tích và xuất bản dữ liệu lên hệ thống.
Tiếp theo, giai đoạn 3 là lớp xử lý dữ liệu của hệ sinh thái IoT. Tại đây, dữ liệu được phân tích và xử lý trước khi gửi đến trung tâm dữ liệu, nơi dữ liệu được truy cập bởi các ứng dụng phần mềm thường được gọi là ứng dụng kinh doanh. Đây cũng là giai đoạn nơi dữ liệu được theo dõi và quản lý. Các hành động khác cũng được chuẩn bị tại lớp này.
Dữ liệu thường được xử lý dựa trên các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) vì khối lượng dữ liệu có thể rất lớn. Những tiến bộ trong công nghệ trung tâm dữ liệu đã, làm giảm độ trễ và cải thiện thời gian phản hồi của hệ thống. Đồng thời, sự có mặt của hệ thống biên (edge IT system) giúp giảm tiêu thụ điện năng và băng thông để thực hiện quá trình này, góp phần tận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực kinh doanh.
Giai đoạn 4 của cơ sở hạ tầng IoT sẽ tự động hóa các nhiệm vụ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp và giảm nhu cầu can thiệp của con người. Những quyết định tự động sẽ dựa trên các quy tắc tích hợp sẵn hoặc thuật toán máy học Machine Learning (ML).
Công nghệ trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT) đang giúp tự động hóa việc triển khai IoT. AIoT đề cập đến việc nhúng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các thành phần IoT. Các thuật toán ML có thể tiêu hóa dữ liệu được thu thập bởi những quá trình tiếp nhận dữ liệu, diễn giải, phân tích dữ liệu và gửi hướng dẫn trở lại thiết bị trong một chu kỳ cải tiến liên tục. Càng thu thập được nhiều dữ liệu, các thuật toán ML càng có thể tương tác với thiết bị được kết nối tốt hơn.
Hiện nay, giai đoạn 4 của IoT được các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất robot thông minh, phân tích dự đoán và phương tiện tự lái. Trong nông nghiệp, các hệ thống canh tác thông minh dựa trên IoT có thể giúp theo dõi ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và độ ẩm đất của ruộng trồng bằng cách sử dụng các cảm biến được kết nối. IoT cũng là công cụ trong việc tự động hóa hệ thống tưới tiêu.
Giai đoạn này có tiềm năng thay đổi cách con người đang sống và làm việc. Khi sự thâm nhập của IoT mở rộng đến mức phổ biến, các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. Các mạng IoT thậm chí sẽ kinh doanh với nhau, cung cấp các dịch vụ từ sự cộng tác tự trị hoặc gần như tự trị.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm