Thị trường hàng hóa
Sprite vốn được biết đến với vỏ chai màu xanh lá ngay từ khi được ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1961. Sau hơn 60 năm, Sprite đã quyết định loại bỏ vỏ chai màu xanh đặc trưng của mình và chuyển sang chai nhựa trong suốt thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi sẽ bắt đầu từ ngày 1/8, tuy nhiên màu xanh lá quen thuộc của hãng vẫn sẽ được sử dụng trên nhãn mác. Đến tháng 10, Coca-Cola sẽ làm điều tương tự đối với các sản phẩm Fresca, Mello Yello và Seagram's.
Hiện tại, các vỏ chai của Sprite được làm bằng nhựa PET (polyethylene terephthalate) có màu xanh lá cây. Về mặt kỹ thuật, chai nhựa PET màu xanh có thể tái chế. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng không được tái sử dụng thường xuyên do quy trình xử lý vật liệu sẽ phức tạp hơn khi có các chất phụ gia tạo màu. Trong khi đó, chai nhựa PET trong suốt lại phổ biến và có giá trị cao hơn đối với ngành công nghiệp tái chế.
Vì lý do này, việc ngừng sử dụng chai nhựa xanh đặc trưng và chuyển sang chai nhựa PET trong suốt cho sản phẩm Sprite sẽ giúp tăng tỷ lệ bao bì được tái chế. Julian Ochoa, Giám đốc điều hành của R3CYCLE, công ty đóng chai lớn nhất tại Mỹ của Coca-Cola cho biết, khi tái chế, những chai nhựa PET trong suốt của Sprite sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với chất dẻo.
Trước đó, sáng kiến chuyển sang chai nhựa PET trong suốt đối với sản phẩm Sprite đã được triển khai tại hầu hết các nước châu Âu và Đông Nam Á. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ các đại dương và đối phó với biến đổi khí hậu. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân đã chấm dứt sử dụng nhựa màu hơn hai thập kỷ trước để thúc đẩy quá trình tái chế và giảm chất thải nhựa.
Trước đó, Coca-Cola đã tiên phong trong ngành hàng giải khát bằng tuyên bố về một mục tiêu táo bạo và đầy tham vọng: Đến năm 2030, mỗi một chai hoặc lon sản phẩm bán ra sẽ được Coca-Cola thu gom trở lại và tái chế thông qua chiến lược: thiết kế, thu gom và hợp tác. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thu gom và tái chế bao bì là một phần quan trọng trong Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” của doanh nghiệp này.
Để hỗ trợ mục tiêu này, Coca-Cola dự kiến sẽ đóng gói sản phẩm nước tinh khiết Dasani tại Mỹ và Canada trong 100% chai nhựa tái chế. Động thái này sẽ giúp giảm thiểu 10.000 tấn rác thải trong năm 2023.
Matt Littlejohn, Phó Chủ tịch cấp cao của Oceana cho rằng, việc tạo ra loại chai lọ có thể tái chế không có nghĩa là chúng sẽ không bị trôi ra đại dương. Chỉ khoảng 30% số chai nhựa thực sự được tái chế, trong khi phần lớn còn lại được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Do vậy, Coca-Cola cần các hệ thống để đảm bảo công ty sẽ thực sự thu gom được vỏ bao bì.
Coca-Cola đang phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề về môi trường. Theo báo cáo thường niên được liên minh Break Free from Plastic (Thoát khỏi nhựa) công bố vào năm ngoái, Coca Cola đứng đầu danh sách các công ty có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ năm 2018 đến 2021.
Liên minh này cho biết khi dọn dẹp bãi biển ở 45 quốc gia, họ đã thu gom gần 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Coca-Cola, nhiều hơn tổng lượng rác nhựa của 2 công ty đứng kế trong danh sách là Pepsi Co và Unilever PLC cộng lại. Ngay sau đó, Coca-Cola đã thông báo mục tiêu cho đến năm 2030 sẽ sản xuất 25% sản phẩm được đóng gói trong bao bì có thể tái chế. Đồng thời, nhà sản xuất nước giải khát đã chi 17 triệu USD để hỗ trợ xây dựng các xưởng tái chế nhựa và các chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng phân loại rác. Tuy nhiên, ông Littlejohn cho rằng con số này quá ít ỏi. Bởi Coca-Cola thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ hoạt động kinh doanh nước ngọt tại thị trường lớn nhất của họ là Mỹ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm