Thị trường hàng hóa
Vai trò then chốt của doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tài chính xanh – xu hướng toàn cầu hướng đến sự phát triển bền vững – đang ghi nhận những bước tiến tích cực tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô phát triển vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện nay, chỉ khoảng 4,5% tổng dư nợ ngân hàng tại Việt Nam được tính là tài chính xanh - khá xa so với mục tiêu 10% vào năm 2025.
Trong lĩnh vực trái phiếu, số lượng trái phiếu xanh và bền vững phát hành còn hạn chế, với thời hạn ngắn từ 1-3 năm. Sự khiêm tốn này cho thấy dư địa phát triển tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Dẫu vậy, theo ông Hùng, một tín hiệu tích cực là các ngân hàng không chỉ áp dụng các tiêu chuẩn xanh quốc tế mà còn tự xây dựng các tiêu chí riêng, kết hợp đánh giá tài chính cùng yếu tố môi trường và xã hội cho khoảng 21% các khoản vay hiện tại. Đây là bước khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Chuyên gia nhấn mạnh, tài chính xanh chỉ có thể mở rộng nếu các doanh nghiệp – trung tâm của hoạt động sản xuất kinh doanh – tự chuyển đổi xanh. Việc đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
"Nếu doanh nghiệp không tự chuyển đổi xanh thì tiền vào doanh nghiệp không "xanh" được. Bản thân doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh trước và các nguồn tài trợ cho hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp mới trở thành tài chính xanh. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hùng phân tích.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nếu không chuyển đổi xanh, rủi ro mất thị trường và giảm cạnh tranh sẽ rất cao, nhất là khi các quy định bắt buộc từ thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.
Lộ trình xanh hóa tài chính
Để chuyển đổi xanh, ông Hùng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững (PTBV), đo lường mức phát thải để xác định lộ trình cải thiện. Đây là bước cơ bản nhưng mang tính nền tảng, giúp doanh nghiệp kiểm soát và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tiếp theo, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn tài chính hiện có như tín dụng ngân hàng và đàm phán để chuyển thành các khoản vay xanh, hoặc phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững đối với các doanh nghiệp lớn. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp thể hiện cam kết chuyển đổi mà còn góp phần phát triển tài chính xanh nói chung.
Song song đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia và quản lý tốt chuỗi cung ứng xanh. Đối với những doanh nghiệp nằm trong chuỗi của đối tác quốc tế, việc tuân thủ tiêu chí xanh sẽ giúp nâng cao vị thế. Với các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng riêng, đây là cơ hội để mở rộng tiêu chí xanh, thậm chí xây dựng chuỗi giá trị độc lập.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho thị trường carbon khi Chính phủ dự kiến thí điểm vào năm 2025 và triển khai chính thức vào năm 2027. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, nơi Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.
"Với lộ trình này, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn", chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, thời gian với doanh nghiệp không còn nhiều bởi từ năm 2025-2027, các quy định quốc tế sẽ siết chặt hơn, đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không chuyển đổi nhanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực sẽ ngày càng suy giảm.
"Tuy nhiên, cơ hội cũng rất lớn. Với sự hỗ trợ của ngân hàng và các nguồn vốn xanh quốc tế, cùng lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng này để vừa phát triển bền vững, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế", ông Hùng nêu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm