Thị trường hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành chế biến, chế tạo dẫn đầu với mức tăng 11,2%, tiếp theo là sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%. Trong khi đó, ngành khai khoáng tiếp tục giảm 9,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ năm 2020. Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung. Một số ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất sản phẩm từ cao su, nhựa, đồ gỗ, ô tô và hóa chất cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ năm 2020.
Sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng cao so với cùng kỳ, bao gồm ô tô (tăng 22,4%), thép thanh (tăng 21,7%), xăng dầu (tăng 15,9%) và thủy sản chế biến (tăng 11%). Ngược lại, một số sản phẩm như khí đốt thiên nhiên, dầu thô khai thác và điện thoại di động ghi nhận sự sụt giảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi trên diện rộng, với 60/63 địa phương ghi nhận mức tăng chỉ số IIP trong 11 tháng qua, khẳng định vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Với đà tăng trưởng trên, số lượng việc làm trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng cho thấy dấu hiệu tích cực khi tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng lao động với mức tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam VINASME) đánh giá, từ đầu từ quý IV, cộng đồng doanh nghiệp đã quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, tận dụng đà tăng trưởng về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong quý cuối của năm để tăng tốc "về đích".
Theo Phó Chủ tịch Thường trực VINASME, nhu cầu trong nước và các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng mạnh để phục vụ tiêu dùng dịp lễ Tết, nhất là các nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản… Do đó, doanh nghiệp Việt tăng tốc sản xuất để phục vụ thị trường và và hoàn thành mục tiêu đặt ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 12.
Kết quả tích cực của ngành công nghiệp trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2024 khẳng định sự phục hồi và phát triển ổn định của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê dự báo, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm